Phát huy truyền thống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp, trong nhịp sống hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Long (Hải Hậu) luôn đoàn kết chăm lo phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trở thành điểm sáng của huyện trong phong trào xây dựng NTM bền vững và phát triển.
Về Hải Long trong những ngày tháng Tư lịch sử, cùng chúng tôi đến thăm từ đường họ Lại chi Đệ tam, xóm 6, đồng chí Lại Hồng Phưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ đường được xây dựng năm 1887 là công trình kiến trúc cổ, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; là “chứng nhân” lịch sử ghi lại truyền thống yêu nước, cách mạng của đất và người Hải Long. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, từ đường là nơi hội họp của cán bộ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan của tỉnh, huyện. Đặc biệt, tháng 6 năm 1947, Đảng bộ huyện Hải Hậu tổ chức hội nghị ở từ đường họ Lại chi Đệ tam xã Hải Long để công bố Quyết định của Tỉnh uỷ Nam Định về việc thành lập Huyện uỷ Hải Hậu; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 8 đồng chí do đồng chí Vũ Thiện làm Bí thư. Hội nghị cũng đã bàn biện pháp vận dụng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh vào hoàn cảnh của địa phương, đề ra một số công tác cấp bách nhằm phát triển lực lượng củng cố hậu phương chi viện cho tiền tuyến.
Nông thôn mới xã Hải Long hôm nay. |
Là địa bàn trọng điểm của huyện, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhất là thời điểm “2 năm 4 tháng” địch tạm chiếm (từ 11-1949 đến 3-1952), xã Hải Long là căn cứ tập kết của bộ đội chủ lực, LLVT huyện chuẩn bị tiến đánh trận Cầu Đôi, Văn Đàn, Đông Biên. Du kích xã Hải Long đã nhiều lần phối hợp với du kích các xã cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phục kích đánh địch tiếp viện như các trận phục kích ở chợ Cầu Đôi diệt hàng tiểu đoàn địch, cùng bộ đội tập kích đồn Liên Phú (Hải Tây) Văn Lý, Xương Điền, Đông Biên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ xóm làng tiến lên giải phóng quê hương. Vừa bám đất, bám dân vừa xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào, cán bộ, nhân dân và LLVT Hải Long đã trực tiếp và phối hợp quân và dân Hải Hậu và chủ lực đánh địch 10 trận lớn, tự động tác chiến 135 trận, diệt 140 tên địch, làm bị thương hơn 40 tên khác. Du kích và nhân dân xã Hải Long đào 542 hầm bí mật cất giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội, thương binh và vũ khí đạn dược, thuốc men dụng cụ y tế. Song song với việc tổ chức chiến đấu, bảo vệ xóm làng, chi bộ Đảng lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống nhân dân. Mặc dù trong vùng địch kiểm soát gắt gao, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân trong xã đóng góp được 1.670 phiếu công lương, mua được 427 phiếu công trái kháng chiến với số tiền 11.500 đồng. Nhân dân còn tổ chức lập “Hũ gạo kháng chiến”; toàn xã có 24 tổ, mỗi tháng đổ 2 lần, mỗi lần mỗi tổ thu được từ 31 đến 80kg gạo góp vào quỹ nuôi quân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn xã có 833 thanh niên lên đường nhập ngũ, nhiều gia đình có từ 3 đến 4 người con lên đường nhập ngũ, tiêu biểu như gia đình cụ Trần Văn Huấn, xóm 3 có 6 con tòng quân; gia đình cụ Trần Văn Ngợi, xóm 10, có 5 con nhập ngũ, 112 người đi thanh niên xung phong. Nhân dân đã đóng góp trên 3.850 tấn thóc và trên 240 tấn thực phẩm cho Nhà nước. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Hải Long có 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 176 liệt sĩ, 125 thương, bệnh binh; Đảng bộ, quân và dân Hải Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, phát huy nội lực của địa phương, trong đó chú trọng phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cơ cấu kinh tế của xã có chuyển biến tích cực; trong đó tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản: 25,85%; công nghiệp - xây dựng: 45,5%; dịch vụ: 28,65%. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, xã đã quy hoạch và chuyển đổi trên 44ha diện tích chân ruộng trũng cho các hộ nông dân đấu thầu phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp. Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể xã Hải Long nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, để làm giàu bền vững. Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh, cây màu, cây dược liệu…; ngành nghề từng bước phát triển nhất là nghề xây dựng, mộc mỹ nghệ và nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong xây dựng NTM, xã đã đầu tư và huy động trên 54,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường giao thông, bổ sung cơ sở vật chất phòng học, trạm y tế, xây dựng bãi xử lý rác thải và trụ sở xã. Trong đó nhân dân đóng góp gần 20 tỷ đồng, góp và hiến 122.961m2 đất để xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, 27km hệ thống đường giao thông liên thôn và các đường nhánh của xã được trải nhựa hoặc đổ bê-tông. Hệ thống 20 tuyến trục chính với 8,1km đường giao thông nội đồng cũng được nhân dân hiến đất, góp tiền, góp công đắp nền, mở rộng và bê-tông hóa 100%, bảo đảm máy nông nghiệp đi lại thuận tiện. Năm 2014, Hải Long được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Thực hiện Đề án xây dựng NTM bền vững và phát triển của UBND huyện Hải Hậu giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở 11 tiêu chí xây dựng xóm NTM bền vững và phát triển, Đảng ủy, UBND xã luôn chỉ đạo sát sao việc thực hiện cơ chế công khai trong quá trình thực hiện. Qua một năm triển khai phong trào xây dựng NTM bền vững và phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong xã ngày một nâng lên, bộ mặt thôn xóm ngày thêm đổi mới. Các xóm trong xã đã tập trung xây dựng đường điện, tu bổ đường giao thông, quy hoạch hàng cây, trồng hoa ven đường, làm vệ sinh gia đình và tham gia bảo vệ môi trường. Xóm 3 là một trong 5 xóm của xã Hải Long được UBND huyện công nhận đạt “Xóm NTM phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”. Hiện nay tại xóm 3, các đường trục xóm, ngõ xóm, đường nội đồng đã được bê tông hóa đạt 100%; 2 bên đường trục xóm, đường ngõ xóm được trồng hoa và trồng cây xanh thoáng mát, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Tại xóm 6, nhà ở và khuôn viên các hộ gia đình trong xóm được chỉnh trang khang trang, sạch đẹp, không có nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo vệ sinh môi trường và điều kiện sinh hoạt. Xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, thường xuyên thu gom rác thải về nơi tập trung; hệ thống thoát nước, kênh mương được khơi thông, luôn sạch bèo, rác thải các loại, 100% hộ gia đình có ý thức tham gia bảo vệ môi trường. Xóm 13 có 120 hộ dân, chi bộ có 21 đảng viên cũng là đơn vị tiêu biểu của xã trong phong trào xây dựng xóm NTM bền vững và phát triển. Đến nay, toàn xóm, đường giao thông được bê tông hóa với tổng chiều dài trên 1km, chiều rộng 4,5m, tất cả các tuyến đường đều có cây bóng mát và rãnh thoát nước, khu chăn nuôi được quy hoạch xa khu dân cư. Cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã đóng góp, ủng hộ trên 300 triệu đồng vào việc nâng cấp nhà văn hóa, tu sửa kênh mương thoát nước, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện chiếu sáng. Xóm huy động trên 600 ngày công lao động tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; 100% nhà ở và các công trình phụ trong gia đình được quét vôi sạch sẽ.
Từ 5 xóm được công nhận “Xóm NTM bền vững và phát triển”, xã Hải Long phấn đấu năm 2018, tất cả các xóm hoàn thành các tiêu chí, xây dựng xã Hải Long trở thành “Xã NTM bền vững và phát triển”./.
Bài và ảnh: Việt Thắng