Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM bền vững, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu luôn quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
|
Chị Đoàn Thị Chiên, ở xóm 17, xã Hải Long, sau khi học lớp chăn nuôi lợn theo Đề án 1956 đã mở rộng quy mô chăn nuôi theo mô hình gia trại. |
Huyện Hải Hậu hiện có trên 27 vạn dân, trong đó gần 15 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 55% dân số. Trước đây phần lớn lực lượng lao động này trình độ kỹ thuật hạn chế, lao động thủ công là chính và năng suất lao động chưa cao. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đào tạo nghề của UBND tỉnh, và trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của huyện, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, qua đó thu hút người lao động tham gia học nghề. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của huyện và các xã, thị trấn; nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như điều kiện khả năng của người lao động, huyện mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, nhà quản lý có nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; trong đó đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề hàn điện, may công nghiệp, đan, thêu, móc có nhu cầu cao trong thị trường lao động, đồng thời tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn khu dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, vừa học vừa làm, Trung tâm đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những người có tay nghề ở địa phương làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều nắm vững được kiến thức và kỹ năng cơ bản được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đối với doanh nghiệp, huyện khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương. Trong 3 năm qua, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Hải Hậu đã mở 62 lớp dạy nghề cho 2.103 lao động; trong đó có 39 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 1.335 người và 22 lớp dạy nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn, trồng nấm, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gà, vịt… cho 735 lao động. Ngoài ra, các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên khu vực Sông Hồng, Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn lao động. Qua các lớp dạy nghề, nhiều người đã mạnh dạn áp dụng kiến thức KH-KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho chính mình cũng như nhiều lao động khác. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình có hiệu quả là 75% và có tới 70% số người sau khi học đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, có năng suất, thu nhập cao. Tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm phù hợp chiếm 82%. Do đó hiệu suất lao động nâng lên, mức thu nhập, đời sống của người dân trong huyện cải thiện. Đặc biệt, số lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề. Đi đôi với việc đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cũng được huyện quan tâm đẩy mạnh qua các cơ chế chính sách phát triển CN-TTCN, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống, xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, phát triển các mô hình phát triển kinh tế VAC... Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những năm qua, số dư vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm của huyện luôn duy trì ở mức 8,3 tỷ đồng, mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho khoảng 400 lao động; số dư cho vay hộ nghèo, cận nghèo duy trì ở mức trên 70 tỷ đồng, giúp các hộ thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống.
Với những giải pháp hiệu quả, thiết thực, huyện Hải Hậu đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống của người dân, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nghề; khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; đẩy mạnh dạy nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề; mời các doanh nghiệp có uy tín về địa phương tuyển dụng lao động, tạo thuận lợi để nhân dân được lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp, giúp người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thực hiện xây dựng NTM bền vững./.
Bài và ảnh:
Minh Tân