Gặp cựu nữ tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định

07:04, 28/04/2017

Đất nước đang trong những ngày rộn ràng kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017). Hòa chung không khí ấy, chúng tôi tìm gặp một nữ cựu tự vệ đã dành sức trẻ, nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc để anh dũng chiến đấu bảo vệ Nhà máy Dệt Nam Định. Dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, mắt đã mờ, chân đã chậm, khuôn mặt đã in hằn những dấu vết của thời gian nhưng bà Ngô Thị Diệm, sinh năm 1930 tại xóm 1, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) vẫn còn rất minh mẫn. Bà ngồi đọc thơ, kể chuyện cho chúng tôi nghe những ký ức vẫn còn vẹn nguyên về những ngày chiến đấu hào hùng với những câu thơ giản dị bà tự sáng tác: “Tiếng còi báo động Thành Nam. Báo hiệu tự vệ ta ra chiến hào. Bảo vệ thành phố quê ta. Bảo vệ nhà máy Dệt chúng ta anh hùng”…

Bà Ngô Thị Diệm, xóm 1, xã Mỹ Xá đang say sưa đọc thơ và kể lại chuyện về những ngày kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ Nhà máy Dệt Nam Định.
Bà Ngô Thị Diệm, xóm 1, xã Mỹ Xá đang say sưa đọc thơ và kể lại chuyện về những ngày kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ Nhà máy Dệt Nam Định.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo, nề nếp, bố mẹ đều là giáo viên, năm 1948, bà Diệm được được nhận vào làm công nhân của Nhà máy Dệt Nam Định. Tháng 6-1965, Thành phố Nam Định, trong đó có Nhà máy Liên hợp Dệt đã trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Năm ấy, bà Diệm mới ngoài 30 tuổi nhưng chồng mất sớm, một mình nuôi 4 người con và một mẹ già. Bà nhớ như in 9 giờ sáng ngày 26-6-1965 máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện phóng 2 quả tên lửa xuống Thành phố Nam Định. Khi ấy, bà đang trong ca làm việc, bỗng nghe tiếng còi báo động, rồi bom dội xối xả. Trong lòng bà lúc ấy không khỏi lo lắng, bất an: “Vội vàng chạy về nhà, vừa chạy vừa khóc vì không biết mẹ và các con tôi ra sao, có sống sót không. Về đến nhà nhìn cảnh tượng nhà tan hoang, cối xay gạo và dây phơi quần áo đã bị phá tan tành. May mắn là mẹ già và các con đã an toàn trú ẩn dưới hầm. Nghẹn ngào, vừa mừng, vừa tủi vì phận đàn bà một mình gánh vác”, bà Diệm kể lại. Tuy nhiên điều đó dường như càng làm bà thêm kiên cường hơn vì bà là chỗ dựa duy nhất cho mẹ, cho các con. Bà kể lại, 12 giờ 30 phút ngày 2-7-1965 không quân Mỹ huy động hai chục chiếc máy bay phản lực tới đánh phá Thành phố Nam Định và Nhà máy Liên hợp Dệt. Ngay từ lúc tiếng còi báo động vừa dứt, lực lượng tự vệ nhà máy có mặt ở các vị trí chiến đấu. Một tốp máy bay giặc sà xuống thấp để tránh đạn cao xạ của ta, lập tức hai khẩu súng máy và nhiều súng bộ binh của lực lượng tự vệ xưởng Sợi đã tập trung bắn xối xả. Tất cả các trận địa khác của tự vệ nhà máy cũng đều nổ súng đánh địch giòn giã. Bà Diệm kể, trong trận đánh phá ngày 12-9-1965 của giặc Mỹ, kho xăng dầu của nhà máy bị trúng bom, bốc cháy, lực lượng tự vệ đã không quản hiểm nguy xông vào cứu chữa, lăn lộn giành giật với khói lửa hàng chục giờ để dập tắt đám cháy, cứu được 15 nghìn lít xăng và 4 chiếc máy hút dầu. Ngay đêm hôm đó, một tốp máy bay giặc lợi dụng trời tối, bay lén lên bầu trời thành phố, ném bom xuống nhà máy làm 10 người chết, trong đó có một người bạn thân của tôi đang mang thai. Sôi sục căm thù, công nhân chúng tôi càng kiên cường bám máy sản xuất, luôn mài sắc ý chí chiến đấu sẵn sàng đánh trả địch. Mỗi lần nghĩ đến cảnh tượng ấy tôi vẫn không khỏi xúc động. Mấy chục năm đã qua nhưng tôi vẫn không thể quên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng tự vệ nhà máy đã tham gia chiến đấu tất cả các trận cùng quân và dân thành phố đánh trả quyết liệt máy bay giặc khi chúng tới gây tội ác. Nhiều đơn vị và cá nhân đã nêu cao gương dũng cảm, kiên cường chiến đấu góp phần cùng quân và dân trong tỉnh chiến đấu, bắn rơi và bắn cháy nhiều máy bay giặc Mỹ. Đội tự vệ nhà máy đã trực tiếp bắn rơi 1 máy bay Mỹ bằng pháo 100 ly, bắt sống giặc lái Mỹ, động viên hàng nghìn thanh niên công nhân lên đường nhập ngũ, chiến đấu, góp phần vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1973, hòa bình lập lại tại miền Bắc, cán bộ, đảng viên, công nhân nhà máy tiếp tục củng cố máy móc và đẩy mạnh sản xuất, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn giành thắng lợi trọn vẹn.

Hơn 40 năm sống trong hòa bình độc lập, nhưng những ký ức, kỷ niệm của những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ nhà máy Dệt vẫn không hề phai mờ trong tâm trí bà. Suốt những năm còn công tác sau đó, bất cứ việc gì bà cũng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao để xứng đáng với sự hy sinh của những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Nhà máy Dệt nói riêng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Về gia đình, bà luôn chăm lo, răn dạy con cháu lòng yêu nước, niềm tin đối với Đảng, ý chí vươn lên trong học tập, công tác, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết với cộng đồng, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ và quê hương. Hiện bà Diệm có 3 người con là đảng viên. Dù đã cao tuổi, nhưng bà vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Bà luôn tự nhủ phải sống mẫu mực, thực hiện tốt những quy định của địa phương, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương ngày càng văn minh./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com