Đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

03:04, 08/04/2017
Thời điểm này, cùng với việc tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức cho học sinh khối 12, ngành GD và ĐT tỉnh đang chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp giúp các em có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
 
Để giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình và lực học của mình, từ đầu năm học các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nhất là sau khi có các thông tin chính thức, đầy đủ về kỳ thi THPT quốc gia, phương án tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng để tư vấn hướng nghiệp cho các em. Công tác tư vấn hướng nghiệp được các nhà trường thực hiện bằng nhiều hình thức, nhất là việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và một số môn học... Ngoài ra, các nhà trường còn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, để mỗi thầy, cô giáo là một “chuyên gia” tư vấn hướng nghiệp thực sự hiệu quả cho học sinh, đồng thời tổ chức tìm hiểu nguyện vọng, năng lực, khối thi,... để kịp thời tư vấn cho các em chọn ngành, nghề phù hợp. Năm học 2016-2017, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) có 7 lớp 12 với 261 học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hướng dẫn cho các em chọn tổ hợp bộ môn dự thi, chọn trường, chọn nghề phù hợp và làm các thủ tục giấy tờ làm hồ sơ thi THPT quốc gia tránh để sai sót, điền thiếu những thông tin cần thiết. Đồng thời mỗi giáo viên là một kênh thông tin cung cấp thông tin gợi ý cho học sinh những ngành nghề, công việc phù hợp với năng lực học tập của mỗi em. Hầu hết học sinh đều có tâm lý muốn lựa chọn trường phù hợp với khả năng và lực học của mình. Thầy giáo Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc định hướng cho các em lựa chọn môn thi tự chọn đúng với năng lực cũng như lựa chọn trường đại học, cao đẳng hay học nghề để sau này các em có một nghề nghiệp phù hợp với năng lực cũng như nhu cầu xã hội là bước khởi đầu quan trọng trước kỳ thi THPT quốc gia. Để tránh thiệt thòi cho các em, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã “phân luồng” học sinh theo hướng: Các em có học lực giỏi, khá và trung bình khá có nguyện vọng thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, nhà trường phân vào các lớp theo khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; các em lực học kém hơn, nhà trường để các em đăng ký vào các lớp chỉ để thi tốt nghiệp. Vì vậy, hiện tại nhà trường có 2 lớp 12A6 và 12A7 với 77 học sinh chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp và 3 lớp khoa học tự nhiên với 109 em, 2 lớp khoa học xã hội với 75 em. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo lên kế hoạch ôn tập, xây dựng đề cương cụ thể, đồng thời giao cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đảm nhiệm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Năm nay, các em tham dự kỳ thi THPT quốc gia sẽ phải làm 4 bài thi, trong đó 3 bài bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một hoặc cả hai bài tổ hợp các môn khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Vì vậy nhà trường tích cực chỉ đạo các tổ bộ môn liên kết, tìm ra giải pháp tối ưu để giúp học sinh hệ thống kiến thức, trau dồi kỹ năng làm bài. Với những học sinh có năng lực khá, giỏi, giáo viên bộ môn vừa đảm bảo kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp, vừa định hướng cho các em đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng theo năng lực, sở trường. Những học sinh có học lực trung bình, yếu, nhà trường tích cực củng cố kiến thức, ôn luyện để các em có kiến thức, kỹ năng cơ bản, vững chắc, có kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, đồng thời trao đổi thẳng thắn để phụ huynh nắm được sức học của con em mình, từ đó có hướng lựa chọn các trường nghề phù hợp với lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. 
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) trong một giờ học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) trong một giờ học.
Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, ngay từ đầu năm học, Sở GD và ĐT đã yêu cầu các nhà trường tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách. Đồng thời chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trong đó lưu ý thời khóa biểu phải bảo đảm hợp lý, không gây quá tải cho học sinh trong từng buổi học và giúp các em làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Ngoài ra, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực thực, giúp các em khối 12 bước vào kỳ thi quan trọng này một cách tốt nhất. Trước đây, công tác tư vấn tuyển sinh chỉ xoay quanh việc giải đáp thắc mắc về quy chế, chỉ tiêu, cách xét tuyển, tỷ lệ trúng tuyển…; các trường đại học, cao đẳng thì tham gia tư vấn tuyển sinh theo hình thức đến các trường THPT giới thiệu về trường, trả lời câu hỏi liên quan đến ngành đào tạo...
 
Tuy nhiên, trong năm học này, nhiều trường THPT đã thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp theo hướng thiết thực với các em. Một số trường tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo…, qua đó giúp học sinh xác định năng lực, sở trường và nguyện vọng của mình. Có trường khảo sát nguyện vọng của học sinh thông qua các phiếu trắc nghiệm sở thích để các em tự đánh giá bản thân những ưu điểm nổi trội, những điểm yếu, từ đó dễ dàng vạch ra một lộ trình nhằm phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của mình và để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sao cho các em có thể chọn được đúng nhất vào ngành học của trường đại học hoặc cao đẳng phù hợp với năng lực, sở thích… Qua đó giúp các em có thể trúng tuyển sau kỳ thi tuyển sinh, hứng thú trong học tập sau khi trúng tuyển và có việc làm thích hợp sau khi ra trường… Công tác tư vấn, phân luồng hướng nghiệp THPT đã từng bước làm thay đổi nhận thức, giúp nhiều phụ huynh, học sinh hiểu rằng đại học không phải con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. 
 
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy từ nay đến trước khi các em đăng ký dự thi THPT quốc gia, bên cạnh yêu cầu giảng dạy theo đúng chương trình và có kế hoạch ôn tập cho học sinh, Sở GD và ĐT yêu cầu các nhà trường tích cực định hướng nghề, phân luồng cho học sinh để các em có sự lựa chọn tốt nhất./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com