Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, những năm qua các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), các biện pháp kỹ thuật về an toàn lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN.
Để đẩy mạnh công tác ATVSLĐ-PCCN, hằng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố, Ban Quản lý các KCN tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động về ATVSLĐ-PCCN. Năm 2016, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng tập trung tuyên truyền với chủ đề “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ”, các nội dung cơ bản của Luật ATVSLĐ, các quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, của người lao động trong thực hiện ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ-PCCN đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp… trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm, hội thảo về công tác ATVSLĐ-PCCN. Toàn tỉnh đã tổ chức 25 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2016; tổ chức 14 cuộc tọa đàm với 850 người tham dự; 1 cuộc hội thảo về định hướng áp dụng mô hình quản lý ATVSLĐ trong các làng nghề; biên soạn, phát hành hơn 11.200 tờ rơi, tờ gấp, kẻ vẽ, chăng treo gần 4.000 khẩu hiệu, băng rôn tại trung tâm các huyện và Thành phố Nam Định, các khu, CCN và làng nghề; cấp phát 6.000 sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp và người lao động; đăng tải, phát sóng 26 phóng sự, 247 tin, bài viết trên truyền hình, báo chí; 6 cuộc thi tìm hiểu ATVSLĐ-PCCN, thu hút hơn 2.200 người tham gia. Qua tuyên truyền, đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của người sử dụng lao động và người lao động. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ-PCCN, sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân khi làm việc; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động theo yêu cầu công việc, nhất là đối với người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại; đồng thời quan tâm, đầu tư bổ sung các phương tiện, thiết bị ATVSLĐ-PCCN như: máy thông gió, làm mát, hút bụi, đèn chiếu sáng, bình bọt chữa cháy… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 42.495 lượt người lao động, kịp thời phát hiện, điều trị người mắc bệnh nghề nghiệp; tổ chức thăm hỏi, động viên 128 cá nhân và gia đình người bị tai nạn lao động, người bị bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.
|
Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Cty CP Dây lưới thép Nam Định. |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Toàn tỉnh đã tổ chức 160 lớp huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho 15 nghìn người là chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ và người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại tại các doanh nghiệp; tổ chức 45 cuộc diễn tập thực hành PCCN, cứu hộ, cứu nạn tại doanh nghiệp; 31 hội nghị sơ tổng kết về công tác ATVSLĐ-PCCN. Cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các biện pháp ATVSLĐ, các ngành chức năng và các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đơn vị và hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục những tồn tại trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Qua kiểm tra liên ngành tại 112 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp đều củng cố, kiện toàn Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên; khi lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đều lập kế hoạch, biện pháp cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; xây dựng và trang bị các nội quy lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị, biện pháp làm việc an toàn, nhất là đối với các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; tổ chức tập huấn, huấn luyện hoặc chỉ dẫn ATLĐ cho người lao động; thực hiện đo kiểm môi trường lao động; khám sức khỏe cho người lao động… Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tạo được bước chuyển biến tích cực. Ý thức thực hiện ATVSLĐ-PCCN ở cả người sử dụng lao động và người lao động đã được nâng cao, làm giảm số vụ và số người bị tai nạn lao động. Theo thống kê, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn lao động, làm 24 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng, thiệt hại ước tính 83 triệu đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác ATVSLĐ-PCCN, Ban chỉ đạo ATVSLĐ-PCCN các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo đôn đốc các ngành chức năng triển khai thực hiện các hoạt động của Tháng hành động về ATVSLĐ và Chương trình quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động; thường xuyên tập huấn cho người sử dụng lao động, người lao động, tăng cường công tác tự kiểm tra, nâng cao công tác ATVSLĐ-PCCN tại doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN./.
Bài và ảnh:
Minh Tân