Chuyển biến trong công tác xử lý vi phạm hành chính ở Nam Trực

07:04, 17/04/2017
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn huyện Nam Trực phát sinh ngày càng nhiều với các biểu hiện đa dạng và phức tạp trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: đất đai, môi trường, an ninh trật tự, tư pháp, an toàn thực phẩm... Trước thực trạng trên, huyện Nam Trực đã có nhiều giải pháp khắc phục những vi phạm pháp luật hành chính nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Nam Trực.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Nam Trực.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, hằng năm, UBND huyện Nam Trực chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý VPHC. Trong đó quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ vi phạm, người có thẩm quyền xử lý và mọi tầng lớp nhân dân để giám sát việc thực hiện. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, phong phú thông qua hội nghị, các buổi họp thôn xóm, khu phố; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ, công đoàn, chương trình đào tạo nghề, hòa giải ở cơ sở… Bên cạnh đó, các ngành có chức năng xử phạt VPHC cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử phạt VPHC nhằm giúp cho cán bộ, công chức, chiến sĩ thuộc cơ quan, đơn vị nắm chắc các văn bản pháp luật và kỹ năng xử lý từng đối tượng, nhóm hành vi vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 70 hội nghị tuyên truyền, tập huấn Luật Xử lý VPHC và các văn bản pháp luật có liên quan cho hơn 20 nghìn lượt người tham gia; phối hợp với Sở Tư pháp cử 50 lượt cán bộ, công chức ở các phòng, ban, địa phương tham gia tập huấn chuyên sâu về xử lý VPHC, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh các xã, thị trấn; tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn pháp luật thông qua việc xử lý cá nhân, tổ chức VPHC; cấp phát hàng trăm biểu mẫu, hồ sơ về xử lý VPHC cho các cán bộ đầu mối ở các phòng, ban, đơn vị và các xã, thị trấn trong huyện. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến mạnh về nhận thức trong công tác thi hành pháp luật của cán bộ, công chức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Nam Trực chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các quy định xử phạt VPHC đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực hoặc địa phương quản lý. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: ATGT, VSATTP, vệ sinh môi trường, quân sự, tư pháp... Mới đây nhất, để đảm bảo ATVSTP, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội xuân năm 2017, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua kiểm tra đã phát hiện các hành vi VPHC chủ yếu như: vi phạm về điều kiện của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm về vệ sinh nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chế biến thực phẩm, chất lượng nguồn nước không đảm bảo, các loại nguyên liệu đầu vào khác chưa được kiểm soát... Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình thanh kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSTP, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Ngoài ra, công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước về triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý VPHC giữa Phòng Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và các xã, thị trấn đảm bảo thường xuyên. Đặc biệt, công tác quản lý xử lý VPHC đã huy động được sự tham gia của cơ quan điều tra, các cơ quan tố tụng, như Công an, Viện KSND, TAND. Công tác phối hợp tập trung vào các nội dung như: hoạt động kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, tổ chức tập huấn, tổng hợp báo cáo... Qua đó đã kịp thời nắm bắt thông tin, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý xử lý VPHC. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn đã phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời, mọi hành vi VPHC nghiêm minh đúng người, đúng đối tượng đảm bảo theo quy định của pháp luật. Việc lập hồ sơ, xét duyệt, áp dụng các biện pháp giáo dục tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện xảy ra gần 500 vụ vi phạm; lực lượng chức năng đã xử phạt với số tiền trên 200 triệu đồng; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính 15 đối tượng. Trong đó, có 3 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; 2 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; 10 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, công tác xử lý VPHC trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn do hệ thống các văn bản hướng dẫn thay đổi thường xuyên; nhiều văn bản chuyên ngành còn có nội dung mở, khó hiểu dẫn đến việc xử lý VPHC gặp nhiều khó khăn. Tổ chức bộ máy, con người, các đơn vị còn thiếu phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm nghiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xử lý VPHC ở địa phương còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về xử lý VPHC còn hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao.
 
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xử lý VPHC trong thời gian tới, huyện Nam Trực đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thể chế về xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành Luật để công tác xử lý VPHC có hiệu quả hơn. UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử lý VPHC để cán bộ và nhân dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức và tạo ra ý thức cao trong chấp hành pháp luật; quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và các điều kiện về biên chế, kinh phí, các trang thiết bị đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý VPHC, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển./.
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com