Nam Định nằm ở hạ lưu của các sông lớn giáp Biển Đông, có mạng lưới giao thông đường thủy đa dạng, phong phú, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và quốc tế. Sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Hồng là các tuyến trung chuyển hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện vận tải thủy có trọng tải hàng nghìn tấn chạy qua. Trong khi đó, hạ tầng giao thông đường thuỷ còn tồn tại nhiều bất cập. Tĩnh không của nhiều công trình vượt sông còn thấp, khoang thông thuyền hẹp, đặc biệt là cầu đường bộ, đường sắt. Chân đế của các mố cầu Tân Phong to, trụ cầu lại thấp dưới mặt nước khiến người điều khiển phương tiện không quan sát được, tiềm ẩn nguy cơ cao gây va chạm, tai nạn. Tại một số vị trí cong cua, luồng chạy tàu hẹp, tầm nhìn bị che khuất hoặc bị khan, cạn vào mùa khô, không đảm bảo quy tắc an toàn luồng tàu theo cấp kỹ thuật, gây nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNGT đường thủy. Phương tiện vận tải thủy ngày càng phát triển cả về số lượng và tải trọng; tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa khá phổ biến, trong đó nổi cộm là phương tiện chở quá tải, quá vạch mớn nước an toàn. Cao điểm nhất là những tháng mùa hè, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho bốc dỡ vận chuyển hàng hóa, nên mức độ vi phạm quá tải trên đường thủy tăng cao ở mức 50% tổng số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn. Vi phạm quá tải là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và nguy cơ gia tăng TNGT. Vi phạm quá tải không chỉ là tác nhân trực tiếp của các vụ đâm va gây hư hại các công trình giao thông đường thủy, khiến nhiều phương tiện vận tải thủy còn tự gây ra thảm họa cho chính mình.
|
Phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trên tuyến sông Đào (TP Nam Định). |
Trước thực trạng trên, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ủy ban ATGT quốc gia, Chính phủ, các bộ chuyên ngành để bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo tạo khung pháp lý để bảo đảm hoạt động giao thông đường thủy nội địa thông suốt, an toàn. Tăng cường tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông đường thủy phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, có ý thức văn hóa khi tham gia giao thông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến các chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy để họ hiểu được tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật, từ đó tự giác thực hiện, không để xảy ra các lỗi vi phạm, nhất là vi phạm quá tải để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bản thân, thuyền viên và phương tiện. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy luôn chủ động phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường bằng các chương trình kế hoạch và các đợt cao điểm để kiểm tra; tập trung vào các nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm chở quá tải, chủ yếu các phương tiện chở hàng giá trị thấp và các đối tượng thường xuyên có nguy cơ cao gây tai nạn. Tuy nhiên dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng theo đại diện Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh), việc kiểm soát các phương tiện chở quá tải trọng đối với các cơ quan chức năng rất khó khăn. Không chỉ do phương tiện tác nghiệp còn thô sơ, mà đơn vị kiểm soát đường thủy còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất khi phải câu lưu phương tiện vi phạm. Khi kiểm tra nhiều trường hợp giấy tờ gốc đã được chủ phương tiện thế chấp chỉ cung cấp giấy tờ phô tô nên việc giữ phương tiện vi phạm để xử lý cũng không có giá trị. Ngoài ra, dù muốn xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện vi phạm quá tải cũng rất khó và thường chỉ áp dụng theo phương án xử phạt ở mức cao vì trên địa bàn tỉnh chưa có âu tàu hoặc nơi neo đậu phương tiện vi phạm, không có phương tiện, thiết bị để hạ tải. Chính việc phạt nặng và buộc phải cho phương tiện vi phạm tiếp tục lưu thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quá tải vẫn tái diễn với tần suất cao. Bên cạnh đó, do hệ thống đường thủy của tỉnh chỉ là nơi trung chuyển các nguồn hàng, trên toàn tỉnh chưa có cảng đầu mối tập trung vì vậy địa phương không làm chủ được việc kiểm soát quá tải đường thủy ngay từ nguồn bốc dỡ.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm quá tải đường thủy, Phòng Cảnh sát đường thủy chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền các quy định pháp luật và những nội dung liên quan đến trật tự ATGT đường thủy của tỉnh, Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT trên đường thủy, tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực trong lực lượng thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đặc biệt trong việc xử lý các phương tiện thủy nội địa chở quá tải, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đề nghị các cấp, ngành liên quan cần tăng cường kiểm soát chặt việc bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng ngay từ cảng biển, cảng thủy nội địa. Bên cạnh đó, đề xuất cho phép xây dựng cảng thủy nội địa để tạm giữ các phương tiện vi phạm. Đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa nạo vét, thanh thải các điểm khan cạn, xử lý các điểm cong cua gây nguy cơ mất ATGT, lắp đặt biển báo tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm trên tuyến sông Đào. Hy vọng rằng, với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai từ các cơ quan, lực lượng chức năng, tình trạng các phương tiện thủy chở quá tải được hạn chế, ý thức các chủ phương tiện thủy nội địa được nâng cao, từ đó đảm bảo an toàn khi vận hành các phương tiện thủy nội địa và đảm bảo bình yên sông nước./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy