Giao thông nông thôn (GTNT) là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Thời gian qua, tỉnh ta đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động dành nguồn lực ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình dự án, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và đặc biệt là nguồn lực trong nhân dân để xây dựng GTNT.
Giai đoạn 2010-2015, trong chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp được 6.144km đường GTNT. Tuy nhiên do mạng lưới GTNT rộng nhưng nguồn lực đầu tư cho GTNT còn hạn chế. Một số địa phương chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp thì việc huy động nguồn lực từ nhân dân cho phát triển GTNT chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, theo quy định của UBND tỉnh, tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng NTM phải bảo đảm các chỉ tiêu: 100% nền đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đạt cấp A (nền đường từ 6,5m trở lên). 85% trở lên số km mặt đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (mặt rộng từ 3,5m trở lên); 100% nền đường trục thôn, xóm được cứng hoá đạt từ cấp C trở lên. 75% trở lên số km mặt đường trục chính được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (Bmặt tối thiểu 3m); 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 100% nền đường trục chính nội đồng được quy hoạch đạt từ cấp C trở lên của Bộ GTVT (Bnền ≥ 4m). 50% trở lên số km mặt đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT (Bmặt ≥ 3m). Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên đường giao thông. Lòng đường không bị lấn chiếm; lề đường, vỉa hè không bị che khuất tầm nhìn; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì thường xuyên, giữ mặt đường sạch, cắt cỏ dại ở lề đường. Trong khi đó, trên thực tế, hệ thống đường GTNT tại nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ, nhiều tuyến đường mặt cắt ngang còn nhỏ, chưa có hệ thống thoát nước, hệ thống thiết bị ATGT như sơn kẻ mặt đường, cọc tiêu, biển báo. Hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi được cứng hóa bằng cấp phối, chỉ đáp ứng phát triển kinh tế và dân sinh trước mắt nhưng về lâu dài phải được tiếp tục nâng cấp. Điều đáng nói, nhiều địa phương chưa đầu tư xây dựng đường GTNT theo quy hoạch mà chỉ thực hiện cải tạo, nâng cấp theo hiện trạng nên không đảm bảo tính lâu dài, bền vững. Công tác quản lý, duy tu, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTNT cũng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở cấp cơ sở. Thực trạng trên dẫn tới kết quả đến hết tháng 3-2017, ngoài huyện Hải Hậu đã về đích NTM từ giai đoạn trước, toàn tỉnh mới có thêm 2 huyện là Nghĩa Hưng, Giao Thủy đạt tiêu chí giao thông NTM.
|
Hạ tầng giao thông xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) từng bước được cải tạo, nâng cấp góp phần phát triển kinh tế - xã hội. |
Trong lộ trình chương trình xây dựng NTM, đối với tiêu chí giao thông tỉnh đã đặt ra mục tiêu: đối với cấp huyện giai đoạn 2016-2020 bảo đảm kết nối hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tới các xã, 100% đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch. Đến năm 2019 toàn tỉnh phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, ngành GTVT và các địa phương đã chủ động xác định những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển GTNT trong chương trình xây dựng NTM. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, toàn tỉnh tiếp tục huy động tổng hợp mọi nguồn đóng góp hợp pháp như nhân dân đóng góp, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã; các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, vốn nước ngoài như WB, ADB. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2019, dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (dự án LRAMP) của Bộ GTVT, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giúp tỉnh ta khôi phục, cải tạo năm thứ nhất cho 14 tuyến đường với tổng chiều dài 48,77km. Trong đó có 10 tuyến cải tạo đạt quy mô đường cấp VI đồng bằng, bao gồm: 3km đường Tây Hải 4 thuộc địa phận xã Hải Tây (Hải Hậu), 2,6km đường Hồng Thuận xã Giao Xuân (Giao Thủy), 2,6km đường trục Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), 3km đường Tam Thanh - Yên Mỹ, 4,5km đường xã Xuân Tân (Xuân Trường), 4,5km đường trục Yên Bình 1 thuộc các xã Yên Bình, Yên Xá, Yên Chính, Yên Tân (Ý Yên), 1,5km đường Giao Tân 8 thuộc xã Giao Yến, Giao Tiến (Giao Thủy), 3,5km đường xã Hải Vân 2 (Hải Hậu), 3km đường trục xã Nam Thanh (Nam Trực), 4km đường cầu Họ - Hạnh Lâm thuộc các xã Mỹ Thuận, Minh Thuận, Hiển Khánh, Tân Khánh (Vụ Bản) và 1 tuyến đường trục xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) 4km quy mô đường cấp V đồng bằng; 2 tuyến quy mô đường loại A gồm 3km đường Mỹ Thuận (Mỹ Lộc), 3,57km đường Nam Hồng (Nam Trực); 1 tuyến đường trục xã Trực Phú (Trực Ninh) dài 6km quy mô đường loại B. Riêng năm 2017, toàn tỉnh bố trí kinh phí bảo dưỡng thường xuyên thực hiện trong khuôn khổ Dự án LRAMP vào dự toán thu chi ngân sách của địa phương, bảo đảm toàn tỉnh bố trí 8 tỷ đồng để bảo dưỡng thường xuyên 400km đường tỉnh, đường huyện và 382km đường xã. Để gỡ khó về vốn đầu tư hạ tầng giao thông, các huyện đều tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông của địa phương trên cơ sở quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh, quy hoạch kinh tế - xã hội của huyện đã được phê duyệt gắn với quy hoạch xây dựng NTM, đảm bảo yêu cầu phát triển ở địa phương và sự đồng bộ, kết nối giữa các tuyến giao thông của xã, thị trấn với hệ thống giao thông chung của huyện, tỉnh qua địa bàn. Hoàn thiện và công khai quy định về phân cấp quản lý đầu tư, phân bổ nguồn vốn các tuyến giao thông thuộc địa phương quản lý đề cao trách nhiệm, tạo sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư ở các thôn, xóm trong đầu tư xây dựng giao thông. Đặc biệt, các huyện đều khuyến khích phát triển hạ tầng giao thông theo hướng: đường huyện, đường liên xã được đầu tư bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh theo chương trình mục tiêu và ngân sách huyện để xây dựng phần nền đường, mặt đường, các công trình ngang tuyến; các xã, thị trấn chịu trách nhiệm công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống rãnh thoát nước dọc theo cơ chế xây dựng NTM. Đường trục xã, đường liên thôn được đầu tư bằng nguồn vốn từ chương trình - mục tiêu của ngân sách cấp trên (nếu có), ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng. Tùy theo tình hình và yêu cầu cụ thể về nguồn vốn, các huyện sẽ hỗ trợ đối với từng dự án và công tác duy tu các tuyến đường nối 2 xã có kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ. Đường giao thông các khu dân cư, đường nội đồng do các thôn, xóm huy động các nguồn đóng góp, xã hội hoá theo quy chế dân chủ cơ sở là chủ yếu. Ngân sách xã có thể hỗ trợ theo yêu cầu, khả năng thực tế, vốn chương trình xây dựng NTM... Bên cạnh đó, để bảo đảm huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng GTNT theo hướng bền vững, các địa phương đều đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy