Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp nhau sản xuất, kinh doanh đồng thời huy động các nguồn lực từ cộng đồng và thông qua vốn vay ưu đãi của các ngân hàng hỗ trợ gia đình hội viên nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
|
Phụ nữ xã Hải Minh (Hải Hậu) làm nghề mộc mỹ nghệ truyền thống. |
Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các huyện, thành phố phối hợp các ngành chức năng tổ chức triển khai, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực giúp đỡ, hỗ trợ chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng năm, các cấp Hội tổ chức khảo sát, xác định, nắm chắc danh sách, phân loại hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ở địa phương để có phương án hỗ trợ phù hợp. Nhiều địa phương đã xây dựng chỉ tiêu mỗi năm: mỗi chi hội giúp 1-2 phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ. Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 12.020 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ vay vốn phát triển kinh tế, tham gia các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao KHKT, tham gia học nghề tạo việc làm mới. Qua đó trang bị cho chị em kiến thức phát triển ngành nghề phụ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng phụ nữ phải đi làm ăn xa để chị em có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên tình thương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam (gọi tắt là TYM), các chương trình, dự án trong và ngoài nước..., từng bước đáp ứng nhu cầu về vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh của phụ nữ nghèo và cận nghèo. Hiện nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý là trên 1.765 tỷ đồng, giúp cho 481.387 hộ vay phát triển kinh tế. Bên cạnh việc linh hoạt, đa dạng nguồn vốn cho vay đối với phụ nữ nghèo, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng phổ biến kiến thức quản lý, sử dụng vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn phương án sản xuất, kế hoạch kinh doanh, giúp chị em phát huy nguồn vốn có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng chú trọng phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ thông qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Đặc biệt, hoạt động tiết kiệm được xác định là khâu đột phá quan trọng, không chỉ giúp chị em có nguồn tiền dự phòng chủ động mà còn tạo thành nguồn vốn tại chỗ, động viên phụ nữ tự lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Hưởng ứng phong trào thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” do Hội LHPN tỉnh phát động, đến nay, 100% cơ sở Hội đã thành lập được 5.188 nhóm tiết kiệm - tín dụng tại chi, tổ phụ nữ, thu hút 404.575 cán bộ, hội viên (đạt 82%). Tổng số tiền vận động tiết kiệm từ các loại hình đạt trên 135,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tiết kiệm, các cấp Hội đã giúp cho hàng nghìn phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lấy lãi hoặc vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, các cấp Hội đã mở rộng liên kết đa dạng hóa các nghề, thu hút nhiều đối tượng có nhu cầu học nghề. Hằng năm, các cấp Hội đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy may công nghiệp, đan mây tre xuất khẩu… cho hàng chục nghìn lượt lao động nữ nông thôn. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với ngành chức năng thành lập các mô hình tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất như: Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); tổ phụ nữ liên kết thêu màu xuất khẩu xã Yên Phú (Ý Yên); tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản); tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế xã Hải Sơn (Hải Hậu); tổ phụ nữ liên kết sản xuất hàng cói xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác thu gom rác thải xã Nam Hùng (Nam Trực); HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu)... Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 5 năm qua đã có 21.500 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, trong đó có 9.150 hộ thoát nghèo, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Để công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, bền vững, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, chú trọng phát triển HTX kiểu mới gắn với sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Đề xuất xây dựng các chương trình, đề án, dự án nhằm phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ, tập trung mở các lớp dạy nghề tạo việc làm, khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn gắn với giảm nghèo, tập trung giúp đỡ cho phụ nữ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế khuyến nông, khuyến ngư. Đẩy mạnh cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và điều kiện của địa phương, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phụ nữ nghèo có địa chỉ. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, phấn đấu mỗi cơ sở Hội tăng thêm ít nhất 10 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; giúp được ít nhất 15 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Hằng năm tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp cho ít nhất 2.000 lao động nữ, trong đó 85% có việc làm sau đào tạo./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng