Tiếp tục đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh

08:03, 21/03/2017
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT và kế hoạch của UBND tỉnh, năm học 2016-2017, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập theo hướng đánh giá năng lực người học, kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối học kỳ, cuối năm học.
 
Điểm mới trong năm học này là ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT. Những sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định trong Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học đã tạo cho giáo viên dễ dàng đánh giá học sinh, giảm gánh nặng sổ sách, không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Năm học này, việc đánh giá học sinh sẽ khắc phục bằng 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Xét về tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp những thông tin phản hồi hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Qua đó, giúp học sinh nhận ra sự thiếu hụt gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Thông tư mới cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng. Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện; từ đó giáo viên có giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để tiến bộ. Bên cạnh đó, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định loại sổ sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần. Thay đổi căn bản này sẽ giúp giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học. Thông tư 22 còn quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Một điểm thay đổi quan trọng nữa trong Thông tư 22 là quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo. Các nhà trường chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo ra đề bài kiểm tra định kỳ cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện công tác kiểm tra. Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học. 
Cô và trò Trường Tiểu học Yên Tiến (Ý Yên) trong một giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Yên Tiến (Ý Yên) trong một giờ học.
Đối với đổi mới công tác thi, năm học này, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 tiếp tục được Sở GD và ĐT tổ chức thi tuyển, bao gồm tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên cơ bản như năm 2016, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực của người học một cách toàn diện. Trong đó, nội dung thi tuyển sinh vào lớp 10 nằm trong chương trình giáo dục bậc THCS, chủ yếu là lớp 9. Thí sinh thi vào lớp 10 THPT làm 3 bài thi như năm 2016, bao gồm bài thi Ngữ văn, bài thi Toán và bài thi tổng hợp bao gồm ba lĩnh vực: Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ (một trong ba môn tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp). Đây là năm thứ hai Sở GD và ĐT đổi mới hình thức thi tuyển sinh khi học sinh được làm thêm bài thi tổng hợp. Cách đổi mới bài thi đã thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh, trong nhà trường không có môn học nào được coi là môn phụ. Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, hiện nay giáo viên các trường THCS đã chú trọng nâng cao hiệu quả giảng dạy bộ môn qua từng bài học, tiết học trên lớp; học sinh chú tâm học tập, quan sát thực tiễn, vận dụng những kiến thức trong nhà trường vào cuộc sống. 
 
Năm học 2016-2017 Sở GD và ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh đối với học sinh lớp 9 THCS, lớp 12 THPT và GDTX. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS có đề thi định hướng theo yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT và GDTX theo định hướng của kỳ thi THPT quốc gia, do đó có sự đổi mới về hình thức thi. Trong đó, các bài thi được áp dụng hình thức thi trắc nghiệm kết hợp với tự luận đối với các môn Toán, Lịch sử, Địa lý theo tỷ lệ trắc nghiệm 60%, tự luận 40%. Đồng thời điều chỉnh tỷ lệ trắc nghiệm đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học từ 50% lên 60% trong mỗi đề thi. Đối với kỳ thi THPT quốc gia, trên tinh thần đổi mới kỳ thi do Bộ GD và ĐT ban hành, các thí sinh sẽ phải thi theo hình thức trắc nghiệm 4/5 bài thi (chỉ trừ môn Ngữ văn). Đến thời điểm này, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn của Sở GD và ĐT, các trường đang tổ chức ôn tập phù hợp từng nhóm đối tượng, theo năng lực học sinh, dạy sát chủ đề, có liên hệ thực tế, giúp các em làm quen với tổ hợp môn thi trong cùng một bài thi trắc nghiệm và thực hiện bài thi trắc nghiệm ở các môn Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân. Trong quá trình ôn, Sở GD và ĐT sẽ tổ chức thi thử với mục đích đánh giá xác thực về chất lượng học sinh khối 12, từ đó có giải pháp điều chỉnh việc ôn tập về kiến thức, thời gian, phương pháp, kỹ năng để học sinh tham gia kỳ thi chính thức đạt kết quả cao nhất.
 
Việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD và ĐT trong năm học này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com