Huyện Ý Yên là đơn vị đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ và triển khai mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” trên địa bàn 5 xã: Yên Khánh, Yên Phú, Yên Xá, Yên Phương, Yên Phong. Mục tiêu của mô hình nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại 5 xã triển khai mô hình, vấn đề quan tâm “Đầu tư cho trẻ em gái” được triển khai đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra. Qua đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành CSSKSS thông qua tư vấn và khám sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên (VTN, TN). Qua hơn 2 năm triển khai, tại các địa phương đã thành lập và duy trì 5 CLB “Các bạn gái tiêu biểu”, nhằm động viên, khuyến khích các cháu là con của gia đình sinh con một bề gái và có thành tích xuất sắc trong học tập, đang học tại các trường THCS, THPT. Ban chỉ đạo dân số 5 xã phối hợp với các ngành chức năng thành lập các mô hình CLB: “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, “Các bậc cha mẹ với sức khỏe sinh sản VTN, TN”, “Mẹ và con gái”, “Nhóm ông bố có con tuổi VTN”. Trong đó, năm 2016, các xã triển khai mô hình đều tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính khi sinh; 95% cán bộ, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và những người có uy tín thuộc địa bàn mô hình nhận thức được hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con một bề là gái và 100% thai phụ đến khám thai được tuyên truyền tư vấn về giới và giới tính khi sinh. 90% phụ nữ từ 15-49 tuổi chỉ có 2 con (là gái) được tư vấn về sức khỏe sinh sản.
|
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh khai trương Phòng Tư vấn và cung ứng phương tiện tránh thai - Hàng hoá SKSS. |
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh giảm dần xuống 120/100 (năm 2011), 117/100 (năm 2014), 116/100 (năm 2015); 115/100 (năm 2016). Một số huyện đã có nhiều giải pháp hiệu quả thực hiện giảm tỷ số giới tính khi sinh như: Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh... Tuy nhiên công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Năm 2016, tỉnh ta vẫn còn trong nhóm 17 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước, số con trung bình của bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,32 (toàn quốc là 2,09), Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm. Tỷ số giới tính khi sinh là 115 cháu trai/100 cháu gái - chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm. Đồng chí Vũ Tài Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng từ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đối với tỉnh ta, số trẻ sinh ra là con thứ 3 hằng năm tương đương dân số một xã có quy mô nhỏ (2011: 3.633 trẻ; 2012: 5.573 trẻ; 2015: 3.735 trẻ; 2016: 3.471 trẻ); do đó việc tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ, không sinh con thứ 3 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm vừa qua và trong thời gian tới. Theo đánh giá của Chi cục Dân số - KHHGĐ, yếu tố “khao khát” con trai là quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất làm gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3. Trong xã hội ngày nay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều gia đình đã có tư tưởng sinh thêm con để dự phòng... Trong nhóm người sinh con thứ 3 trở lên vẫn có những trường hợp là cán bộ, công chức, đảng viên. Cụ thể, năm 2014 có 67 người vi phạm, năm 2015 có 81 người, năm 2016 là 96 người. Trong đó số lượng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 cao tập trung ở ngành GD và ĐT (năm 2014 có 33 giáo viên, 2015 có 36 giáo viên và năm 2016 có 47 giáo viên vi phạm)... Số liệu điều tra trên cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trước hết, bất bình đẳng giới được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, đặc biệt là người già không được hưởng lương hưu, dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính khi về già. Một nguyên nhân cơ bản nữa dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là các biện pháp kỹ thuật lựa chọn giới tính... Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng số nam nhiều hơn đáng kể so với số nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ sẽ gây những tác động xấu đối với gia đình và xã hội.
Ngày 25-10-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 83 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2020. Đề án đề ra 9 mục tiêu cơ bản, đến năm 2020, toàn tỉnh giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn 110 cháu trai/100 cháu gái. Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác Dân số - KHHGĐ. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Cung cấp đầy đủ, thường xuyên các thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và người có uy tín trong cộng đồng. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp. Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới với nội dung, hình thức thích hợp cho từng cấp học nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, sản xuất các tài liệu truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới; giới thiệu, phổ biến các tài liệu này đến các nhóm đối tượng của Đề án. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyên đề, các chiến dịch, sự kiện truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới, loại trừ dần nguyên nhân sâu xa của hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh. Nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng