Xác định người lao động là nhân tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, những năm qua, cùng với đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chăm lo các quyền lợi chính đáng của người lao động.
Cty CP Nam Tiệp (TP Nam Định) thành lập và đi vào sản xuất, kinh doanh từ năm 2005. Qua hơn 10 năm hoạt động, Cty đã từng bước mở rộng thị trường, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông Âu, EU và Mỹ... Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo Cty luôn xác định: Muốn doanh nghiệp ổn định và phát triển, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Để chăm lo tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hằng năm, Ban giám đốc đã chủ động phối hợp với Công đoàn Cty tổ chức hội nghị “Người lao động”; qua đó giải đáp các ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của người lao động... Cty thực hiện tốt các chế độ chính sách như: Tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN; trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân; tổ chức tập huấn an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; đo kiểm môi trường làm việc... Định kỳ 3 tháng/lần, lãnh đạo Cty tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Cty còn xây dựng “Quỹ hỗ trợ người lao động” cho người lao động vay, không phải trả lãi để mua phương tiện đi làm và sửa chữa xây dựng nhà ở, người lao động được vay cao nhất đến 50 triệu đồng. Hằng tháng, ngoài tiền lương, người lao động còn được hưởng tiền chuyên cần đến 20% đối với lao động hưởng lương năng suất và 500 nghìn đồng tiền chuyên cần đối với lao động hưởng lương thời gian. Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ tiền nhà trẻ mẫu giáo, quỹ khuyến học 600 nghìn đồng/cháu/năm; hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động 15 nghìn đồng/bữa; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, thai sản, bệnh tật. Hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và Tháng Công nhân, Ban giám đốc đã phối hợp với Công đoàn Cty tổ chức “Ngày hội người lao động” với nhiều hoạt động thiết thực nhằm khích lệ người lao động như: Tổ chức giải bóng đá, thi kéo co, giao lưu văn nghệ quần chúng; trao thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu; tổ chức “bốc thăm trúng thưởng” cho người lao động với nhiều hiện vật có giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bàn là, phích điện, lò vi sóng, xoong nồi, bát đĩa, ấm chén... Tổng số tiền chi cho hoạt động này hằng năm khoảng 500 triệu đồng. Được sự quan tâm, chăm lo của Cty, người lao động yên tâm lao động sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
|
Sản xuất ở Cty CP Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 vạn lao động đang làm việc trong 3.561 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những năm gần đây, việc thực hiện chính sách đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy chế trả lương, hệ thống thang bảng lương để làm cơ sở chi trả. Việc chi trả lương cho người lao động cơ bản đã được chủ sử dụng lao động thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, vấn đề nâng lương, nâng bậc cũng đã được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp ngoài việc thực hiện các chế độ do Nhà nước quy định còn có các hình thức khác để tăng thu nhập cho người lao động như: thưởng do tăng năng suất lao động, thưởng lễ, tết, thưởng cho sáng kiến kinh nghiệm, nghỉ dưỡng, ăn ca và nhiều loại chế độ khác. Do đó, thu nhập, đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Cùng với chính sách tiền lương, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp đã được quan tâm và thực hiện tốt hơn. Hầu hết các đơn vị đã xây dựng nội quy lao động, trong đó đặc biệt chú ý đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, công khai hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với người lao động. Hầu hết các đơn vị có tổ chức công đoàn đều tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể và có các hoạt động chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng được đảm bảo. Qua các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, BHXH và quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, phần lớn các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật lao động, Luật BHXH. Trong năm 2016, có 20 doanh nghiệp được kiểm tra, 100% doanh nghiệp ký kết HĐLĐ đối với người lao động; 80% doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện để giám sát, kiểm tra; 100% doanh nghiệp đã thực hiện trả lương cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. 100% doanh nghiệp đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, số lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc đạt 95,66%, thực hiện giải quyết chế độ BHXH cho người lao động đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, hằng năm, Sở LĐ-TB và XH đều có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai các chính sách mới về pháp luật lao động, trong đó tập trung vào các chính sách tiền lương, BHXH; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; công tác an toàn vệ sinh lao động… Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở LĐ-TB và XH tập trung tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách mới về lao động như: Nghị định 05/2015 NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-1-2015 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; Thông tư 23, Thông tư 47 của Bộ LĐ-TB và XH. Tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các chính sách mới của Luật BHXH…; tổ chức biên soạn, in ấn 34 nghìn tờ rơi tuyên truyền về chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2014 như: chế độ ốm đau, thai sản; một số quy định chung của Luật BHXH; công tác an toàn vệ sinh lao động… cấp phát đến người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tổ chức 4 lớp tập huấn pháp luật lao động về chính sách lao động, tiền lương, Luật BHXH cho 850 người là cán bộ quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, BHXH các huyện, thành phố; chủ sử dụng lao động và cán bộ nhân sự, tiền lương, BHXH của các doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật lao động, thu hút hơn 200 chủ doanh nghiệp có đông lao động tham gia; tổ chức 2 hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân lao động tại CCN An Xá (TP Nam Định) và tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản). Sở LĐ-TB và XH tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho gần 300 doanh nghiệp trong việc áp dụng thực hiện các quy định về pháp luật lao động... Qua đó, giúp các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về pháp luật lao động, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động.
Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý những đơn vị cố tình vi phạm pháp luật về lao động. Các doanh nghiệp cần quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các quyền lợi chính đáng của người lao động để người lao động yên tâm lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của mỗi doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Minh Tân