Tại buổi lễ ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” ở xã Mỹ Tân do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Mỹ Lộc tổ chức cuối năm 2016, chị em trong xã đều phấn khởi vì có thêm mô hình mới thiết thực, vừa gắn kết chị em trong xã, vừa góp phần phát triển kinh tế của các gia đình hội viên phụ nữ. Xã Mỹ Tân có 18 thôn, xóm, 22 chi hội phụ nữ, nghề chính của chị em là sản xuất nông nghiệp. Là xã điểm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh, Hội Phụ nữ xã đã bám sát sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện, Đảng ủy, UBND xã, tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua công tác tuyên truyền khảo sát nhu cầu, chị em phụ nữ hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng mô hình và đã có 20 chị tự nguyện đăng ký tham gia. Hội Phụ nữ xã đã thống nhất lựa chọn chi hội Hồng Phong 1 để xây dựng mô hình. Đây là chi hội thuần nông, có 80% chị em làm nông nghiệp và đều trong vùng quy hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của xã nên rất thuận lợi khi tổ chức các hoạt động. Tham gia mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”, các thành viên được tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăm bón, nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn; được chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Từ mô hình điểm tại chi hội Hồng Phong 1, mô hình tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất ra các chi hội khác trong xã, thu hút ngày càng nhiều gia đình hội viên phụ nữ tham gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau sạch, rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai xây dựng mô hình rất thiết thực, có ý nghĩa trong tình hình hiện nay, khi vấn đề VSATTP được người dân đặc biệt quan tâm. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ để sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; đồng thời góp phần thực hiện tốt đề án của UBND xã về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong tổng thể chương trình xây dựng NTM với quy hoạch vùng chuyên canh rau sạch 34,68ha.
|
Nghề thêu của phụ nữ xã Xuân Phương (Xuân Trường). |
Đây chỉ là một trong 20 mô hình mới được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xây dựng trong 5 năm qua nhằm tập hợp, thu hút hội viên, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp các tầng lớp phụ nữ, tăng cường quản lý hội viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động các cấp hội đề xuất sáng kiến xây dựng mô hình mới, cách làm hay về tập hợp, thu hút hội viên. Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh có hàng chục mô hình mới tập hợp thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt hội theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Nhờ đó, đến nay, các cấp hội đã vận động tập hợp được gần 88% hội viên/tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa phương; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội thường xuyên trong các kỳ đạt từ 83-90,5%. Ngoài mô hình tập hợp hội viên theo địa bàn dân cư, hiện toàn tỉnh có 70 mô hình tập hợp hội viên đặc thù, cơ bản các mô hình đều có quỹ và duy trì hoạt động hiệu quả. Tại Nghĩa Hưng, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành khảo sát, phân loại nhu cầu, nhu cầu nào có đông phụ nữ thì ưu tiên thành lập mô hình trước. Từ sự chỉ đạo cụ thể đó, đến nay cả 25 xã, thị trấn của huyện đều đã thành lập được mô hình tập hợp hội viên theo nhu cầu và đi vào hoạt động hiệu quả. Điển hình như mô hình CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên” tại Thị trấn Liễu Đề và xã Nghĩa Minh; xây dựng CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” tại xã Nghĩa Trung, CLB “Sạch nhà, đẹp ngõ” tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Phong, CLB “Phụ nữ đảm đang”, “Phụ nữ gương mẫu” tại xã Nghĩa Sơn, CLB gia đình hạnh phúc tại 25 xã, thị trấn. Đối với các mô hình theo địa bàn, với đặc thù là huyện đông dân số, tỷ lệ đồng bào Công giáo cao, địa bàn trải dài nên văn hóa vùng miền khác nhau, vì vậy, Hội LHPN huyện chỉ đạo xây dựng các mô hình đáp ứng với văn hóa và tập tục vùng miền như: CLB doanh nhân nữ tại 4 khu thị trấn, thị tứ; CLB “Nữ tín đồ phật tử” tại xã Nghĩa Trung; CLB nữ chức việc tại xã Nghĩa Lạc, CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển tại Thị trấn Rạng Đông và các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nam Điền, Nghĩa Phúc. Ngoài ra, với đặc điểm toàn huyện có 40% lao động nữ nông nghiệp không có nghề phụ, thường xuyên phải đi làm ăn xa, Hội LHPN huyện đã thành lập các mô hình: “Tổ liên kết nuôi trồng thủy hải sản và rau màu xã Nghĩa Bình”, “Tổ phụ nữ đan cói xuất khẩu” xã Nghĩa Đồng để chị em có thể phát triển kinh tế ngay tại quê hương. Ngoài ra, tại các huyện, thành Hội đều có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xây dựng được những mô hình tập hợp phụ nữ thực sự hiệu quả như: “Tổ phụ nữ xây dựng cánh đồng mẫu lớn” xã Giao Hà (Giao Thủy); “Tổ phụ nữ nghề nghiệp” xã Xuân Bắc, CLB gia đình Công giáo gương mẫu xã Xuân Ngọc (Xuân Trường); “Tổ phụ nữ liên kết thêu màu xuất khẩu” xã Yên Phú (Ý Yên), “Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái” Thị trấn Gôi (Vụ Bản), “Tổ phụ nữ liên kết nuôi giun quế” xã Hải Sơn, HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu); CLB Nữ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan (TP Nam Định)…
Để các mô hình tập hợp phụ nữ tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh sẽ hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt; nâng cao chất lượng hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ cơ sở. Xây dựng các mô hình mới thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của nhiều chị em phụ nữ./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng