Đến thăm Cty TNHH Việt Thắng của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), ai cũng trầm trồ trước cơ ngơi mà vợ chồng chị gây dựng được. Khu văn phòng Cty hiện đại, khang trang, phía trước là khuôn viên với đủ sắc màu của những khóm hoa hồng cổ đang bung nở rực rỡ. Sau 15 năm đi vào sản xuất, Cty đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất cơ khí, kết cấu thép ở địa phương. Cty đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng hiện đại trị giá hơn 20 tỷ đồng với khu xưởng sản xuất rộng 11 nghìn m
2, có đủ các loại máy đột dập 150, 200, 250 và 300 tấn, máy cắt tôn dài 10,5m, khổ dầy 18mm và loại khổ dầy 20mm… Nhưng mấy ai biết được, để có được thành công như hôm nay, gia đình chị đã phải vượt qua bao khó khăn buổi ban đầu. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề Đồng Côi, trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đầu, để có vốn làm ăn cũng là để tích lũy vốn sống và kinh nghiệm, vợ chồng chị đã lặn lội đem sản phẩm cơ khí của làng nghề bỏ mối cho các đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua một thời gian lăn lộn với thương trường, học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống và bạn hàng, vợ chồng chị Duyên quyết định chuyên tâm vào việc làm côn, trục xe đạp và các loại bu-lông. Đây là những sản phẩm chủ lực của làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng nhưng đều làm thủ công, chất lượng sản phẩm không cao, kém sức cạnh tranh. Sau khi bàn bạc, thống nhất, vợ chồng chị dồn toàn bộ vốn liếng trong nhà, cộng với vay ngân hàng được gần 30 triệu đồng, đầu tư mua sắm một số máy móc để cải tiến kỹ thuật và đa dạng hóa sản phẩm làng nghề. Từ khi sản xuất bằng máy, năng suất làm bu-lông tăng gấp 10 lần, từ 300 sản phẩm/ngày công lên 3.000 sản phẩm/ngày công lao động; chất lượng sản phẩm vượt trội. Cũng vào thời điểm này, nhu cầu xây dựng dân dụng phát triển mạnh nên hai chiếc máy “đầu cơ nghiệp” của vợ chồng chị phát huy hiệu quả cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Năm 2002, khi việc sản xuất bu-lông, đồ sắt gia dụng được thực hiện bằng máy gần như “phủ kín” làng cơ khí Đồng Côi, gia đình chị quyết định thành lập doanh nghiệp, tập trung đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ và chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng chuyên dụng cho ngành khai thác khoáng sản, điện lực và các sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn phục vụ ngành xây dựng, cầu đường. Sản phẩm của Cty luôn đạt chất lượng và có uy tín trên thị trường, được khách hàng tin dùng, doanh thu tăng đều qua các năm, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động tại địa bàn Thị trấn Nam Giang và các xã Nam Cường, Nam Dương, Đồng Sơn… với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ quan tâm chăm lo đến người lao động cả về vật chất, tinh thần, Cty còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân lao động. Bình quân hằng năm, Cty dành khoảng 400-500 triệu đồng cho việc đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động và đội ngũ cán bộ quản lý. Nhờ đó, sự phát triển của Cty luôn ổn định, bền vững, là địa chỉ tin cậy của ngành khai thác khoáng sản Việt Nam và nhiều Tổng Cty xây dựng, giao thông, điện lực trong cả nước. Cty TNHH Việt Thắng đã được nhận “Cúp sen vàng”- thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế. Bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh nhưng gia đình chị Duyên luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Riêng dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, gia đình chị đã tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương 2,6 tấn gạo và tặng hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo học giỏi.
|
Khách nước ngoài tham quan sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ của gia đình chị Dương Thị Tuyết, Thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Ở Thị trấn Lâm (Ý Yên), chị Dương Thị Tuyết cũng có khởi đầu lập nghiệp đầy gian nan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, mới chỉ học đến lớp 9, chị đã phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình; 18 tuổi, xây dựng gia đình. Nhà chồng bố mẹ cũng đông con, kinh tế khó khăn, chị băn khoăn không biết tìm nghề gì để vợ chồng sinh sống. Sau nhiều đêm trăn trở, bàn bạc, vợ chồng chị chọn nghề thu mua phế liệu. Hằng ngày bươn trải, lọc cọc chiếc xe đạp đi các địa phương trong và ngoài huyện, có ngày đạp xe hàng trăm cây số dưới trời mưa rét để tìm thu mua phế liệu nhưng chị không chùn bước. Với ý chí vươn lên và ước mơ làm giàu, năm 1994, vợ chồng chị mở thêm nghề đúc xoong nhôm. Sản phẩm làm ra, chị tự chở đi các xã trong huyện để bán, đổi thu mua phế liệu; đồng thời phát triển thêm nghề chăn nuôi lợn. Tuy nhiên do đồng vốn ít ỏi nên kinh tế gia đình vẫn chưa phát triển. Năm 1995, chị tham gia sinh hoạt ở Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 1, Thị trấn Lâm, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ chị em, được Hội tổ chức các lớp tập huấn về KHKT trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, năm 1998, sau khi được Hội Phụ nữ cử đi học lớp đào tạo maketing về quản lý doanh nghiệp, được sự động viên của người thân cùng với quyết tâm của bản thân, chị đã bàn với chồng mở xưởng đúc đồng để phát huy nghề truyền thống của gia đình. Với 500 nghìn đồng do Hội Phụ nữ Thị trấn Lâm tạo điều kiện đứng ra bảo lãnh cho vay vốn người nghèo, gia đình chị mua được 2 chiếc máy, cộng với nguồn vốn ít ỏi tích lũy được, chị đã mua thêm ít vật liệu để đúc đồng, sản xuất đỉnh, đồ thờ. Ban đầu chỉ có 2 vợ chồng làm nên số lượng sản phẩm ít, mẫu mã không đa dạng, chưa có khách hàng quen, chị không quản ngại vất vả để tìm kiếm nguồn khách hàng. Năm 1998, được Hội Phụ nữ thị trấn hỗ trợ vay vốn từ quỹ TYM, gia đình chị đã được vay thêm vốn, có điều kiện mua thêm máy móc và nguyên liệu để sản xuất. Qua 4 năm làm ăn có kinh nghiệm, năm 2002, gia đình chị quyết định mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm lao động mở rộng thêm sản phẩm vào thị trường. Năm 2011, chị được là 1 trong 6 doanh nhân vi mô toàn cầu do Quỹ TYM trao tặng và là doanh nhân duy nhất của Việt Nam nhận Giải thưởng quốc tế được trao tại Pa-ri (Pháp). Năm 2012, chị được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen tại hội nghị “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Tháng 12-2015, chị vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng, mở rộng, phát triển thêm được nhiều mẫu mã sản phẩm, thành lập Cty TNHH Tuyết Linh, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 70%. Với chiến lược phát triển tập trung vào sản xuất đồ đồng thủ công mỹ nghệ, tháng 4-2016, chị được đi dự hội nghị “Công bố sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng” tại Hà Nội và được Nhà nước tặng Cúp “Bàn tay vàng”…
Đây chỉ là 2 điển hình vượt khó làm giàu trong số rất nhiều nữ doanh nhân của tỉnh ta. Trong thương trường với bao thách thức, với ý chí quyết tâm không chịu lùi bước trước khó khăn, các chị đã đạt được thành công, trở thành những nữ doanh nhân giỏi, vừa biết làm giàu cho gia đình vừa tích cực đóng góp cho xã hội, tham gia phát triển cộng đồng và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng