Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của hội thẩm nhân dân (HTND). Nhờ đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ HTND không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu trong việc tham gia xét xử tại phiên toà và công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
|
Hội thẩm TAND tỉnh tham gia xét xử tại một phiên tòa. |
Để nâng cao chất lượng hoạt động của HTND, bước vào nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã tập trung làm tốt công tác lựa chọn và bầu đoàn hội thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đủ số lượng đảm bảo chất lượng. Đến nay, tổng số hội thẩm TAND hai cấp trong tỉnh gồm 240 người, trong đó có 30 hội thẩm TAND cấp tỉnh và 210 hội thẩm TAND cấp huyện. Các HTND hầu hết đều hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện như: HĐND, Ủy ban MTTQ, LĐLĐ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… So với nhiệm kỳ trước, HTND được bầu chọn có sự đổi mới về cơ cấu và chất lượng. Trong đó, 7% HTND có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 70,1% HTND có trình độ đại học và 22,9% HTND có trình độ trung cấp; 23,3% HTND có trình độ cao cấp lý luận chính trị… Đa số các HTND đều có uy tín, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khả năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Hằng năm, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc TAND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét xử, trang bị các văn bản pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác xét xử của các vị hội thẩm cũng như đảm bảo về điều kiện để hội thẩm nghiên cứu hồ sơ theo quy định. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho TAND hai cấp trong tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác xét xử và chế độ chính sách đối với hội thẩm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ chính sách đối với HTND. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có cán bộ, công chức là hội thẩm tạo điều kiện về thời gian, công việc để các hội thẩm tham gia xét xử khi được phân công. Bên cạnh đó, với trách nhiệm được giao, TAND tỉnh đã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý, hỗ trợ hội thẩm và các đoàn HTND. Các đơn vị Tòa án đã bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc cần thiết cho các đoàn hội thẩm làm việc. Thực hiện nghiêm túc việc phân công HTND tham gia xét xử, nghiên cứu hồ sơ; thường xuyên tiếp thu ý kiến của các vị HTND phản ánh những bất cập trong công tác hội thẩm để kịp thời điều chỉnh. TAND tỉnh cũng duy trì công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các vị HTND trong toàn ngành; thường xuyên đổi mới phương pháp, nội dung tập huấn; bố trí giảng viên của Học viện Tòa án và lãnh đạo TAND tỉnh tham gia giảng dạy cả lý thuyết và những vụ án cụ thể làm bài học thực tế để các HTND có thêm kỹ năng, rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật vào thực thi công việc. Ngoài ra, TAND tỉnh còn thường xuyên trang bị kịp thời các văn bản pháp luật mới, trang phục cho HTND khi tham gia xét xử… Ông Lê Văn Viện, đoàn HTND huyện Nam Trực cho biết: TAND huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các HTND tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi xét xử. Nhờ đó chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng tìm hiểu hồ sơ vụ án và các quy định pháp luật áp dụng vào vụ án cũng như việc xem xét các chứng cứ, xác định tội danh, tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự… để đưa ra các phán quyết chính xác, đúng quy định pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, TAND tỉnh đã tổ chức 2 đợt tập huấn nghiệp vụ cho các vị hội thẩm TAND 2 cấp với gần 500 lượt hội thẩm tham gia; cấp phát 240 bộ tài liệu gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự và các tài liệu, văn bản hướng dẫn về áp dụng pháp luật cho các HTND. Thông qua tập huấn, các HTND được nâng cao kiến thức pháp lý và nghiệp vụ, có thể chủ động trong các phiên tòa xét xử. Bên cạnh đó, bản thân các HTND của TAND hai cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia công tác xét xử với tinh thần nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cao. Mặc dù đa phần các HTND đều đương chức, kiêm nhiệm nhiều công việc nhưng hầu hết khi được phân công tham gia xét xử, các HTND đều sắp xếp công việc tham gia xét xử, trường hợp không tham gia được thì kịp thời báo lại để xử lý phân công hội thẩm khác nên trong xét xử không xảy ra tình trạng bị động vì lý do không có HTND tham gia. Trong quá trình tham gia xét xử, thông qua việc hiểu rõ tình hình thực tế về phong tục tập quán của từng địa phương, lắng nghe ý kiến, dư luận trong nhân dân, cũng như các tình tiết theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, các vị HTND đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng và quan trọng để làm rõ ý đồ, mục đích gây án của bị can. Từ đó, các vị HTND đều có quan điểm chính kiến phù hợp với thực tế khách quan, sát với cuộc sống xã hội và giúp cho phán quyết của hội đồng xét xử thấu tình đạt lý. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, các vị HTND còn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân dân, góp phần giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và nêu cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Với việc tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động của HTND, đội ngũ HTND trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HTND hai cấp trong tỉnh đã tham gia trên 4.000 lượt phiên tòa xét xử, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử. Để góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng và vai trò của HTND, thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án với cấp ủy Đảng, thường trực HĐND và ban thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp trong việc giám sát, quản lý hoạt động của các đoàn HTND. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có cán bộ, công chức là HTND để các đơn vị này tạo điều kiện cho HTND tham gia xét xử cùng Tòa án khi được yêu cầu. Ngành TAND tỉnh tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét xử, trang bị các văn bản pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác xét xử, đảm bảo về điều kiện vật chất để nâng cao chất lượng chuyên môn của các HTND, từ đó tăng cường năng lực tham gia xét xử của HTND./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng