Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Mỹ Lộc đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nhằm phát huy nội lực, tạo nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Công tác huy động các nguồn vốn được các cấp Hội Phụ nữ huyện chú trọng với nhiều hoạt động thiết thực, như thành lập chi nhánh của tổ chức TYM; ký hợp đồng ủy thác, quản lý hiệu quả các nguồn như vốn tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, quỹ quay vòng, quỹ FAO; phát huy nội lực từ nguồn tiết kiệm của phụ nữ thông qua phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”... Với các nguồn vốn trên, tính đến nay, tổng dư nợ Hội LHPN các cấp trong huyện quản lý là trên 105 tỷ đồng, giúp cho 7.704 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp Hội tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan tổ chức 87 lớp tập huấn cho 6.090 lượt hội viên phụ nữ về kiến thức, khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, hỗ trợ chị em phát triển sản xuất, kinh doanh. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động CLB “Nữ doanh nhân”, tổ chức được 12 lớp khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức quản lý doanh nghiệp và cách hoạch tính kinh doanh cho 735 lượt phụ nữ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vừa và nhỏ. Trong 5 năm qua, 11/11 cơ sở Hội tiếp tục triển khai chương trình “Vì việc làm cho lao động nông thôn” tới 100% chi Hội Phụ nữ. Hội LHPN các cấp phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH huyện, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 35 lớp dạy nghề cho 1.329 hội viên, phụ nữ ở các xã, đồng thời duy trì nghề có sẵn của địa phương, tạo việc làm mới cho 2.193 lao động nữ trong thời gian nông nhàn, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Các hoạt động thiết thực của Hội đã hỗ trợ 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện vay vốn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 2,46%.
|
Các sản phẩm do hội viên phụ nữ huyện Mỹ Lộc sản xuất được giới thiệu tại Đại hội Phụ nữ tỉnh. |
Từ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp, trong sản xuất nông nghiệp, chị em phụ nữ đã tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của địa phương; thi đua lao động, học tập phương thức làm ăn mới, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia vào các hoạt động khuyến nông do các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức. Hoạt động của các mô hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, tập huấn chuyển giao khoa học, tham quan mô hình mới, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cũng đã khuyến khích, thu hút đông đảo chị em tham gia, tạo ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi như: Chị Trần Thị Liên, thôn 16, xã Mỹ Hà xây dựng gia trại chăn nuôi mỗi năm xuất chuồng từ 40-50 tấn thịt lợn hơi, cho thu nhập 500-700 triệu đồng. Chị Trần Thị Thủy, xóm 1, xã Mỹ Hà đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích từ cấy lúa cho thu nhập thấp sang mô hình trang trại nuôi cá trắm đen cho thu nhập cao từ 200-300 triệu đồng/năm... Đặc biệt, trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, toàn huyện đã có hàng trăm phụ nữ làm kinh tế trang trại, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như: Chị Trần Thị Sửu, xã Mỹ Tân với mô hình trồng rau an toàn, mỗi ngày gia đình chị cung cấp từ 300-500kg rau cho các khu, CCN trên địa bàn Thành phố Nam Định, tạo việc làm cho 5-7 lao động nữ, thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng. Chị Tạ Thị Trang, xã Mỹ Tân là tấm gương điển hình đại diện cho phụ nữ nghèo vượt khó, thành viên tích cực của TYM, từ vốn vay TYM hỗ trợ 7 triệu đồng, trong 3 năm chị đã quy hoạch 3ha đất trồng hoa tươi, mỗi năm cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thoa, thôn Vạn Đồn, Thị trấn Mỹ Lộc với mô hình sản xuất mây tre đan xuất khẩu thu nhập ước đạt 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20-30 lao động địa phương. Trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, đội ngũ nữ chủ doanh nghiệp, nữ tiểu thương trong huyện cũng luôn năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu xã hội để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Các chị không chỉ là những phụ nữ kinh doanh giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Điển hình như: chị Trần Thị Mơ, chủ doanh nghiệp may công nghiệp Mơ Hưng tại làng Sắc, xã Mỹ Thắng; chị Trần Thị Thảo, chủ doanh nghiệp may chăn ga gối đệm Thảo Hòa, xã Mỹ Thắng; chị Trần Thị Châm, chủ doanh nghiệp chăn ga gối đệm Châm Đồng, xã Mỹ Thắng; doanh nghiệp của các chị đều cho thu nhập mỗi năm từ 5-10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ. Cơ sở dép nhựa của chị Đặng Thị Yên, chị Đặng Thị Hiền, xã Mỹ Hưng cho thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng, tạo việc làm cho 20-30 lao động.
Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện tiếp tục vận động, hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo. Hằng năm rà soát nắm vững địa chỉ phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; đẩy mạnh các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Tuyên truyền, khuyến khích hội viên phụ nữ dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên thoát nghèo, tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình địa phương và nhu cầu của thị trường, làm giàu chính đáng. Xây dựng các mô hình tổ liên kết, mô hình HTX, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, mở rộng phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập. Thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015-2020”, tăng cường gắn kết hoạt động dạy nghề với hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ. Phấn đấu hằng năm có 90% hội viên phụ nữ nghèo và cận nghèo được giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế. Mỗi năm, mỗi cơ sở Hội giúp được ít nhất 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Hằng năm các cấp Hội phối hợp tổ chức dạy nghề mới và khôi phục nghề truyền thống cho 1.000-1.500 lao động nữ, 80% trở lên có việc làm sau đào tạo./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng