Đến thăm các xóm thuộc xã Giao Yến vào những ngày cuối tháng 2, chúng tôi chứng kiến không khí thi đua sôi nổi của các tầng lớp nhân dân địa phương chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Giao Thủy (1-4-1997- 1-4-2017). Xóm 13 là vùng quê thuần nông, những năm trước, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đã vươn lên thành đơn vị điển hình của xã trong phong trào huy động sức dân chung tay xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Đức Đạm, Bí thư chi bộ xóm 13 cho biết: Những năm qua, xóm 13 đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh phát triển kinh tế với nhiều mô hình giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xóm 13 trở thành đơn vị đầu tiên của xã Giao Yến hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa; vận động nhân dân hiến đất bình quân 1 sào hiến 12m
2 để mở rộng đường giao thông, đường kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất và thu nhập cho người dân. Trước đây, số thửa của các hộ là 4,85 thửa/hộ, sau dồn điền đổi thửa còn 1,5 thửa/hộ. Xóm 11 là đơn vị đầu tiên của xã thực hiện tốt tiêu chí về văn hóa (số 6 và 16); nổi bật là phong trào xây dựng nhà văn hóa, phát triển các đội văn nghệ quần chúng, các hoạt động thể dục thể thao; các thiết chế văn hóa được quan tâm, đầu tư đồng bộ, hiện đại. Với sự đồng thuận của người dân, các phong trào thi đua yêu nước trong xóm được triển khai sâu rộng, đi vào những nội dung sát thực, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện của địa phương, được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng xóm văn hóa, gia đình văn hóa, chi bộ Đảng xóm 11 đã ban hành nghị quyết và tập trung sức lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng giữ vững ổn định sản lượng năng suất lúa hằng năm đạt 130 tạ/ha. Tuyên truyền, vận động bà con cấy những giống có năng suất cao theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Toàn xóm hiện có 95% gia đình cải tạo vườn tạp, không để đất hoang, khuôn viên nhà ở xanh, sạch, đẹp, 90% gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn, giữ vững danh hiệu làng văn hóa 5 năm liên tục.
|
Nông thôn mới xã Giao Yến. |
Đồng chí Trần Khắc Căn, Chủ tịch UBND xã Giao Yến cho biết: Trước khi triển khai xây dựng NTM, qua khảo sát, xã chỉ đạt 8/19 tiêu chí NTM. Là xã thuần nông, thu nhập chính của người dân chủ yếu trông vào cây lúa nên việc huy động nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng NTM gặp nhiều khó khăn. Xác định công cuộc xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển nông thôn, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các tiêu chí NTM. Trong đó, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, phát huy vai trò nòng cột của 400 đảng viên sinh hoạt tại 18 chi bộ trong toàn Đảng bộ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng NTM. UBND xã chỉ đạo Ban nông nghiệp, HTX Nông nghiệp phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hơn 400 học viên là các chủ gia trại, các tổ hợp nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp đang hoạt động là Cty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy đầu tư hơn 300 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 1-2017, tạo việc làm cho 1.800 lao động; Cty May Nam Giao giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, thu nhập bình quân cho người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, xã đã huy động gần 35 tỷ đồng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đầu tư xây dựng 25km đường giao thông nông thôn với kinh phí 18 tỷ 400 triệu đồng; xây dựng mới 17 phòng học với kinh phí 4 tỷ 594 triệu đồng; xây mới trạm y tế xã với tổng kinh phí 2 tỷ 800 triệu đồng. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM; trong đó nhiều tiêu chí khó vẫn đạt cao như: Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 80%, Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2020. Khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã được quy hoạch diện tích đất 6.900m
2; trong đó diện tích đất nhà văn hóa xã là 1.128m
2, hội trường trên 400 chỗ ngồi, có 3 phòng chức năng gồm: Phòng thông tin truyền thanh, phòng hành chính - thư viện - truyền thống. Có 15/15 xóm có nhà văn hoá và sân tập thể thao đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tập thể thao của người dân. Xã có 5 CLB văn hóa - văn nghệ (CLB cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, thể dục dưỡng sinh, văn nghệ quần chúng) hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 34,98 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của xã chỉ còn 1,52%. Tổng số lao động (trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động) là 3.852 người, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm là 92,03%. Trên địa bàn xã có 3 trường học, cơ sở vật chất của các nhà trường đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trong đó, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I, công nhận “Trường xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II, công nhận “Trường xanh - sạch - đẹp - an toàn”; Trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ I, đạt chuẩn kiểm định chất lượng.
Với sự chung tay góp sức, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, xã Giao Yến quyết tâm về đích NTM trong năm 2017./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng