Năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, mặc dù có nhiều nguy cơ cả về lưu hành và xâm nhập, nhưng tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Toàn tỉnh chỉ phát hiện 6 ca sốt phát ban nghi sởi, 81 ca mắc tay chân miệng, 159 ca sốt xuất huyết, 2 ca ho gà, 1 ca viêm não mô cầu.
Có được kết quả trên, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được các ngành chức năng, các địa phương coi trọng. Các loại dịch bệnh đều có sự giám sát chặt chẽ, chủ động ngay từ đầu chu kỳ dịch. Đặc biệt, hệ thống giám sát chủ động giữa các tuyến, giữa hệ dự phòng và điều trị được triển khai đồng bộ nên đã phát hiện sớm được những trường hợp nghi ngờ đầu tiên, tổ chức điều tra xác minh và triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời, không để phát sinh thành ổ dịch. Cùng với các hoạt động giám sát, công tác tiêm chủng phòng bệnh được triển khai bài bản, đồng bộ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn và cấp chứng chỉ cho 947 cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng ở các tuyến. Năm 2016, công tác tiêm chủng mở rộng của tỉnh đạt được những kết quả cao với tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt 95%, tỷ lệ tiêm phòng viêm gan B sơ sinh trước 24 giờ sau sinh đạt trên 70%, tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 95%. Cùng với tăng cường công tác tập huấn, giám sát, ngành Y tế đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch chủ động như tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện và đài phát thanh xã, phát thanh tuyên truyền, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức các hoạt động tuyên truyền do cộng tác viên, học sinh và các tổ chức quần chúng đảm nhận về các biện pháp phòng chống dịch song song với việc tổ chức các chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết chủ động như diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường sống, phun hóa chất diệt muỗi…
|
Cán bộ Trạm Y tế xã Hiển Khánh (Vụ Bản) tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân. |
Đối với các dịch bệnh đang lưu hành trên thế giới và trên toàn quốc, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Cung cấp kịp thời các thông tin đến cộng đồng để người dân không hoang mang, khi có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị kịp thời; chuẩn bị các phương án và các đội cơ động phòng chống dịch, cơ số thuốc và vật tư, hóa chất sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch khi cần thiết. Ngoài ra, để nâng cao năng lực triển khai công tác y tế dự phòng, ngành Y tế tăng cường khả năng xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh, xét nghiệm nước, thực phẩm... Trong năm 2016, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, sửa chữa phòng xét nghiệm, mua thêm trang thiết bị máy móc, hóa chất, vật tư; cử nhiều cán bộ đi học nâng cao chất lượng xét nghiệm. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hệ thống giám sát, xét nghiệm đã được đầu tư phòng xét nghiệm, được Bộ KH và CN cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025-2005, giúp cho việc xét nghiệm phát hiện các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh trên người nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Các trang thiết bị hiện đại khác cũng từng bước được đầu tư tại Trung tâm như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học…, giúp Trung tâm phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế tử vong. Năm 2016, Phòng Xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục được Văn phòng Công nhận chất lượng, Bộ KH và CN công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2005 với 27 phép thử lĩnh vực vi sinh và hóa lý nước và thực phẩm. Phòng Xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã được các Viện chuyên ngành Trung ương giám sát, kiểm tra, chứng nhận duy trì đạt chuẩn 70 chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm xét nghiệm chẩn đoán vi sinh vật gây bệnh, xét nghiệm nước, thực phẩm, môi trường. Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang tiến hành các bước thực hiện chuẩn ISO 15189 chẩn đoán xác định các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm…
Tuy nhiên, công tác y tế dự phòng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức như: Sự giao lưu giữa các châu lục, các vùng địa lý, các địa phương ngày càng phát triển cùng với biến đổi khí hậu gia tăng gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan… là các yếu tố thuận lợi làm cho các bệnh truyền nhiễm gây dịch có khả năng bùng phát và quay trở lại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và sự ổn định xã hội (cúm A H5N1, tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...) khả năng xuất hiện bệnh dịch mới nguy hiểm (như cúm A H7N9, nhiễm vi-rút Mers-CoV, Ebola...) gây áp lực lớn yêu cầu nắm bắt thông tin kịp thời và triển khai các kỹ thuật hiện đại để đáp ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng cao đòi hỏi hệ thống y tế dự phòng phải đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Y tế đặt ra cho công tác y tế dự phòng giai đoạn 2016-2020 là: “Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới”, ngành Y tế tỉnh tiếp tục kiện toàn, bổ sung cán bộ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về y tế dự phòng. Trước mắt, giai đoạn 2016-2020 ngành sẽ tập trung hoàn thiện và củng cố hơn 2.000 danh mục kỹ thuật y tế dự phòng phân tuyến từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Củng cố và phát triển hệ thống giám sát và phòng chống dịch bệnh chủ động. Xây dựng mô hình hoạt động cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với ngành GD và ĐT xây dựng mô hình sức khỏe trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh và các thành viên trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến nâng cao trình độ chuyên môn y tế dự phòng tuyến cơ sở đảm bảo đủ năng lực đáp ứng công tác phòng chống dịch và triển khai các hoạt động tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động trường học, quản lý chất thải và từng bước dự phòng các bệnh không lây nhiễm như phòng chống ung thư, rối loạn chuyển hóa, phòng chống tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính...
Bài và ảnh:
Minh Thuận