Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình CCHC trên các lĩnh vực: xây dựng thể chế; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Trong đó, công tác tuyên truyền về CCHC được các ngành, địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm mang tính quyết định tới thành công của chương trình. Do đó, công tác tuyên truyền về CCHC được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm: Báo
Nam Định, Đài
PT-TH tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các Cổng thông tin điện tử các sở, ngành… Đối với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện niêm yết công khai chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện niêm yết đầy đủ, công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị; quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, nội quy cơ quan tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện lồng ghép tuyên truyền CCHC với các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hội nghị, giao ban, các lớp tập huấn, bồi dưỡng liên quan tới công tác CCHC, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về CCHC cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác cải cách thể chế được tập trung cao độ nhằm minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, nhiệm vụ cải cách thể chế được tập trung vào việc nâng cao chất lượng tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, công khai các quy định mới và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2016, tỉnh đã đóng góp ý kiến vào 38 dự thảo văn bản của Trung ương và địa phương; thẩm định 46 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.740 thủ tục, trong đó cấp xã là 136 thủ tục, cấp huyện là 212 thủ tục và cấp tỉnh là 1.392 thủ tục. Năm 2016, có 26 quyết định công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi bổ sung với tổng số là 745 thủ tục (sửa: 47 thủ tục, ban hành mới 355 thủ tục, bãi bỏ 352 thủ tục). Toàn bộ các thủ tục hành chính sau khi được rà soát và sửa đổi, bổ sung đều được công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (
namdinh.gov.vn), Trang thông tin của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh duy trì, thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 229/229 xã, phường, thị trấn thực hiện theo cơ chế một cửa. Trong đó Sở KH và ĐT thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế; Sở Tư pháp thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực xác định lý lịch tư pháp có yếu tố nước ngoài. Năm 2016, cấp tỉnh tiếp nhận 141.208 hồ sơ, đã giải quyết 137.587 hồ sơ, đang giải quyết 3.586 hồ sơ, chỉ quá hạn 35 hồ sơ do nhiều yếu tố khách quan; cấp huyện tiếp nhận 74.128 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn giải quyết; cấp xã cũng chỉ để quá hạn 5 hồ sơ. Trong đó, lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 630 doanh nghiệp, 77 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký là 4.303,734 tỷ đồng, làm thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 698 doanh nghiệp, chi nhánh; lĩnh vực cấp lý lịch tư pháp là 2.024 hồ sơ. Bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục được rà soát, kiện toàn, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương. Phân cấp quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh được thực hiện đúng quy định của Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính được chấn chỉnh, quy chế làm việc được thực hiện nghiêm túc, chất lượng tham mưu đề xuất đã có chuyển biến. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được triển khai đồng bộ. Song song với các nhiệm vụ trên, việc hiện đại hóa hành chính được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện thông qua việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị khai thác, sử dụng văn bản qua hệ thống công báo và Cổng thông tin điện tử; yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn khai thác để phục vụ cho công việc, qua đó đã giảm thiểu tối đa về chi phí và thời gian. Sở TT và TT tổ chức triển khai mô hình chính quyền điện tử tại cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với VNPT Nam Định hoàn thành kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và 28 bộ, ngành, địa phương khác. Xây dựng, triển khai dự án “Phát triển hạ tầng Khung Chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020”, “Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định”. Xây dựng hệ thống một cửa điện tử cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và 3. Tổng số dịch vụ công mức độ 2 là 1.740 dịch vụ; dịch vụ công mức độ 3 là 13 dịch vụ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24/27 đơn vị đã khai thác sử dụng hiệu quả phần mềm Hệ thống quản lý văn bản vào công việc hành chính tại đơn vị. 46 cơ quan, đơn vị gồm các sở, ban, ngành, các chi cục trực thuộc sở và UBND các huyện trong tỉnh xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào các hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.
Với việc đẩy mạnh CCHC đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Để công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Thực hiện CCHC đồng bộ với tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò của hệ thống chính trị. Chấn chỉnh, củng cố, đưa vào nề nếp và đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông điện tử tại các cơ quan, đơn vị; nhất là tại cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.