Năm 2016 và dịp lễ hội đầu xuân năm 2017, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh tăng cao; xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông qua đường ngang cộng với sự bất cập của hệ thống hạ tầng đường sắt. Trong đó, Nam Định là một trong những địa phương trên toàn quốc tồn tại nhiều đường ngang dân sinh bất hợp pháp qua đường sắt. Toàn tỉnh có 302 đường ngang qua đường sắt; trong đó chỉ có 44 đường ngang hợp pháp, còn 258 đường dân sinh, lối đi mở trái phép. Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, giảm TNGT đường sắt, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Ban ATGT tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh có tuyến đường sắt đi qua đã tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách và lâu dài.
|
Sở GTVT và ngành đường sắt phối hợp rà soát, thống nhất phương án xử lý bất cập các điểm đường ngang dân sinh qua đường sắt tại địa phận huyện Mỹ Lộc. |
UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh tiếp tục xác định giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để hạn chế, ngăn chặn TNGT đường sắt là phải đóng được các đường dân sinh, lối đi trái phép theo tinh thần Kế hoạch số 70/KH-UBND đã được UBND tỉnh ban hành từ ngày 17-11-2014, trong đó có phân định trách nhiệm, xây dựng lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Hiện nay, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện các phần việc, nhiệm vụ dở dang, chưa hoàn tất để Kế hoạch 70 đạt hiệu quả, mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, ngay từ giai đoạn năm 2014 tỉnh đã hoàn tất công tác rà soát, thống kê số lượng đường ngang dân sinh bất hợp pháp và đã nhận được sự đồng tình, ký cam kết thống nhất phương án xóa bỏ 153/258 lối đi dân sinh trái phép. Chính quyền, người dân các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đều sẵn sàng với chủ trương trả lại hành lang ATGT để có quỹ đất làm đường gom, xóa bỏ đường dân sinh hoặc chuyển sang lối đi mới khi cơ quan quản lý đường sắt đóng các lối đi trái phép. Cty CP Đường sắt Hà Ninh đã xây dựng phương án, lập dự toán chi tiết thực hiện việc thu hẹp, đóng các đường dân sinh trái phép, cắm biển cảnh báo “Chú ý tàu hỏa”..., tuy nhiên ngành đường sắt chưa được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện, không đáp ứng được lộ trình Kế hoạch 70 đề ra. Tỉnh đã chủ động đầu tư kinh phí để đóng 5 đường dân sinh trái phép qua đường sắt, lắp đặt biển báo “Chú ý tàu hỏa” tại 34 đường dân sinh và hạ thấp độ cao tại hai đầu lên xuống của 19 đường ngang hợp pháp và 3 đường ngang dân sinh che khuất tầm nhìn; địa phương và doanh nghiệp tổ chức chốt gác tại 12 điểm..., đây là các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc địa phương bố trí người cảnh giới cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như: tiêu chuẩn của người gác; trách nhiệm ràng buộc; kinh phí... vì vậy tỉnh xác định đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, không có tính bền vững. Tỉnh quán triệt quan điểm trách nhiệm quản lý, bảo đảm ATGT trên hệ thống hạ tầng đường sắt thuộc doanh nghiệp và ngành đường sắt, vì vậy, tỉnh không tiếp tục nâng số lượng đường ngang có bố trí người cảnh giới theo đề xuất của ngành đường sắt. Về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tăng cường nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm trật tự ATGT. Ngay trong tháng 3-2017, Sở GTVT chủ trì cùng Công an tỉnh, Cty CP Đường sắt Hà Ninh và các địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra, thống kê tất cả vi phạm hành lang ATGT đường sắt và thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vi phạm; tổng hợp báo cáo các vi phạm chưa xử lý được đến tháng 3-2017 và có lộ trình, giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm trong tháng 4-2017. Từ 30-3, Cty CP Đường sắt Hà Ninh phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm phát sinh mới mà đơn vị không phát hiện được; đối với những trường hợp phát hiện được, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm với cấp chính quyền cao hơn. Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát tất cả các đường ngang dân sinh qua đường sắt, tiến hành đóng các đường ngang có hệ thống đường gom; thống kê các điểm cần làm gồ giảm tốc và phân định trách nhiệm thực hiện của các cấp theo hướng tỉnh lộ do tỉnh sẽ đầu tư kinh phí, quốc lộ do ngành đường sắt đầu tư kinh phí; nghiên cứu bố trí vốn nâng cấp các công trình phụ trợ bảo đảm ATGT đường sắt. Hiện nay, các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua đã tích cực nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Trong đó, các huyện, thành phố đều tăng cường tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân sống ven đường sắt hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó nghiêm túc thực hiện các quy định trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Tại huyện Mỹ Lộc đã tập trung xác định và kiên quyết xử lý các trường hợp doanh nghiệp, hộ gia đình được cấp giấy phép kinh doanh tại địa điểm thuộc hành lang ATGT đường sắt. Tại huyện Ý Yên đã xác định trong tổng số 4 xã có đường sắt đi qua, chiều dài hơn 20km, có 3 xã diễn biến trật tự ATGT đường sắt phức tạp, gồm: Yên Ninh, Yên Xá, Yên Bằng. Trong đó, TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra đối với các trường hợp người dân ở địa phương khác đến địa bàn và xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt thương tâm tại các điểm đường ngang của các hộ làng nghề, kinh doanh, buôn bán mở trực tiếp qua đường sắt. Các điểm giao cắt qua đường sắt trên chiều dài 700m ở khu vực ngã ba Cát Đằng qua địa bàn xã Yên Tiến tồn tại nhiều nguy cơ xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tại địa điểm này, người dân khu vực Cát Đằng đã xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn được hỗ trợ đầu tư làm đường gom, dẫn đến tình trạng khó khăn trong huy động mặt bằng để làm đường gom theo tinh thần “chương trình xây dựng NTM”. Tuy nhiên, huyện sẽ kiên quyết, khẩn trương làm đường gom để sớm đóng các điểm đường ngang qua đường sắt tại vị trí này; để tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí, huyện sẽ áp dụng phương thức vận động người dân góp đất theo phương thức “xây dựng NTM”…
Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm quản lý, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT tại hệ thống đường ngang qua đường sắt; kiên quyết không để phát sinh thêm đường dân sinh trái phép, không cấp đất dọc theo đường sắt khi chưa có đường gom, hàng rào cách ly. Đồng thời tỉnh tiếp tục đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ; bố trí kinh phí theo đề nghị của Cty CP Đường sắt Hà Ninh, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đường sắt và địa phương thực hiện Kế hoạch 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh theo lộ trình. Đề nghị Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện Dự án làm đường gom, hàng rào cách ly đang triển khai dở dang trên địa bàn xã Lộc An, Thành phố Nam Định; triển khai phương án cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt làm cơ sở cho công tác bảo vệ hành lang ATGT đường sắt, bảo vệ phạm vi đất của đường sắt. Đối với một số điểm giao cắt đã bố trí thiết bị đèn cảnh báo tự động, cần chắn tự động nhưng có mật độ phương tiện qua lại lớn, thường xuyên xảy ra TNGT đường sắt, đề nghị ngành đường sắt rà soát, xem xét nâng cấp thành đường ngang có người gác; trước mắt vào những giờ cao điểm cần bố trí người cảnh giới./.
Bài và ảnh:
Thanh Thuý