Sau một năm triển khai Luật BHXH sửa đổi, ngành BHXH tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, nhất là các giải pháp phát triển đối tượng, thu hồi nợ đọng, khắc phục tình trạng lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Năm 2016, công tác phát triển đối tượng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, số người tham gia BHXH bắt buộc là 143.744 người, tăng 11.973 người (tương ứng với 9,08 %) so với cùng kỳ năm 2015. Số người tham gia BHTN là 132.896 người, tăng 11.728 người (tương ứng với 9,68%) so với cùng kỳ năm 2015. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 5.748 người, tăng 1.899 người so với cùng kỳ năm 2015. Ngành BHXH tỉnh đã vận động mở rộng được 127 đơn vị với 15.215 lao động tham gia BHXH. Công tác thu BHXH đạt 2.863,276 tỷ đồng, đạt 102,4% so với kế hoạch giao. Về công tác chi trả các chế độ BHXH, trên cơ sở quy định của Luật BHXH và hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác chi trả các chế độ BHXH thường xuyên, một lần và chế độ ngắn hạn cho các đối tượng đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Cụ thể: Số chi các chế độ BHXH, BHYT, BHTN năm 2016: 4.862,830 tỷ đồng, tăng 438,030 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi BHXH từ nguồn NSNN là 1.720,973 tỷ đồng; chi từ nguồn quỹ BHXH đảm bảo là 2.425,519 tỷ đồng; chi BHTN là 37,019 tỷ đồng. Công tác giải quyết các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đảm bảo. Đặc biệt thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tăng từ 1-5-2016 cho 33.825 trường hợp; hằng tháng thực hiện báo tăng, giảm các đối tượng, nhất là đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và đối tượng mất sức lao động. Năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết 3.158 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng; 5.577 người hưởng trợ cấp BHXH một lần; 73.414 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe với số tiền hưởng 241,620 tỷ đồng; thực hiện chi trả cho 14.278 lượt đối tượng hưởng chế độ BHTN với tổng số tiền hơn 37 tỷ đồng đúng thời gian và đúng số tiền được hưởng. Đạt được kết quả trên, ngay sau khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHXH, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền chính sách BHXH đến các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn với nhiều hình thức phù hợp. Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, huyện đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả. BHXH tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh xây dựng chương trình tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2021; phối hợp với LĐLĐ tỉnh ban hành kế hoạch phối hợp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT cho hội viên Hội Phụ nữ tại các xã; phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các cụm dân cư thuộc huyện Nghĩa Hưng. Tổ chức ký thỏa thuận liên ngành và hợp tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN với Ngân hàng VietinBank, VietCombank, Ngân hàng Liên Việt Nam Định. Phối hợp với Sở Y tế và Viettel Nam Định triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện BHXH, BHYT. Phối hợp với Cục Thống kê tỉnh rà soát thống kê lực lượng lao động tại tỉnh để phục vụ công tác phát triển đối tượng.
|
BHXH tỉnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt người tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH. |
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để giảm số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, song tình trạng chậm đóng, nợ đọng, tham gia không đầy đủ cho người lao động vẫn còn xảy ra. Nếu như đến hết năm 2016, số tiền các đơn vị nợ đọng trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 76 tỷ đồng, thì chỉ 2 tháng đầu năm 2017, tổng số nợ là 190,373 tỷ đồng (tăng hơn 110 tỷ đồng); bao gồm: Nợ BHXH 104,902 tỷ đồng; nợ BHYT 77,440 tỷ đồng; nợ BHTN 8,031 tỷ đồng. Đây là thực trạng đáng báo động về các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN gây ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình triển khai Luật BHXH. Một số đơn vị nợ đọng lớn như: Cty May Nam Hải, Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định, Cty CP Comma 19, Cty CP Xây dựng thuỷ lợi Sông Hồng, Cty CP Xây lắp I Nam Định. Nguyên nhân do ảnh hưởng của việc thay đổi mức lương tối thiểu vùng; tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHXH, BHYT chưa cao của một bộ phận doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, BHYT; nhiều đơn vị được cấp giấy phép hoạt động, có sử dụng lao động nhưng trốn tránh tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Vẫn còn tình trạng đóng không đúng với chức danh công việc trong thang bảng lương đã xây dựng thỏa thuận với người lao động; một số doanh nghiệp không tham gia BHXH cho lao động là người nước ngoài. Theo số liệu khảo sát năm 2016, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 đơn vị được cấp phép hoạt động với trên 30 nghìn lao động nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đối với công tác thu BHXH tự nguyện, do thu nhập của người lao động tự do còn thấp nên không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện hoặc tham gia với mức đóng thấp. Đối tượng tham gia chủ yếu là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ thời gian 20 năm đóng BHXH bắt buộc. Ngoài ra, Luật BHXH sửa đổi quy định những người hoạt động không chuyên trách thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hằng tháng đóng 22% theo mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí, tử tuất để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như không thuộc đối tượng đóng BHTN để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quy định này gây cho người lao động nhiều băn khoăn bởi với cách tính lương hưu theo quy định mới thì đối tượng này khi nghỉ hưu, mức lương thực nhận sẽ dưới mức lương cơ sở.
Năm 2017, BHXH tỉnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trên cả 3 tiêu chí: về phát triển đối tượng, về số tiền thu và giảm tỷ lệ nợ dưới mức quy định. Ngay từ đầu năm 2017, BHXH tỉnh xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ trọng tâm; BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH 10 huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ban, ngành ở địa phương nắm bắt số đơn vị đang hoạt động, số đơn vị được thành lập mới hoặc giải thể phá sản, số lao động cũng như biến động về lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn để đôn đốc, vận động tham gia BHXH. Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến BHXH từng cấp, từng cá nhân chuyên quản; đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH là chỉ tiêu đánh giá chủ yếu về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với BHXH huyện, thành phố. Đối với công tác giải quyết và chi trả các chế độ, BHXH tỉnh chú trọng công tác quản lý giải quyết và chi trả các chế độ BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an toàn tiền mặt; đa dạng hóa các hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tiến tới triển khai giao dịch điện tử trên phạm vi toàn tỉnh đối với thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, đảm bảo thực hiện tốt công tác thu và mở rộng, phát triển đối tượng./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng