Khi Tết đến, Xuân về, cũng là lúc ở các vùng quê trong tỉnh như làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), xã Giao Hải (Giao Thủy), Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) lại vang vọng tiếng trống vật mời gọi, thúc giục các đô vật đến ghi danh, so tài, góp phần tạo nên hương sắc ngày xuân trên mảnh đất Thiên Trường văn hiến, giàu tinh thần thượng võ.
Đã hàng chục năm nay, cứ vào chiều mùng 4 Tết Nguyên đán, người dân các xóm 7, 8, 9, 10 ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) lại quần tụ trước sân đình làng để cổ vũ, thi đấu cờ tướng, bơi lội, chọi gà, đấu vật nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân lập làng. Trong các môn thể thao truyền thống nơi đây, đấu vật có sức hấp dẫn đặc biệt thu hút hàng trăm người già, trẻ, trai, gái đến xem, cổ vũ. Trong tiếng trống giục liên hồi, tiếng hò reo huyên náo của khán giả, các đô vật mình trần, đóng khố, đầu chít khăn xanh đỏ, ra những miếng gồng, móc, giật, những ngón đòn hiểm hóc... Mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, bắp tay, cổ, vai ửng đỏ vì miếng đánh của đối thủ nhưng các đô vật vẫn thi đấu hết mình. Đô vật nào thể hiện được một đòn hay, kỹ thuật đẹp mắt sẽ nhận được tràng vỗ tay tán thưởng của người xem. Đấu vật hay ở chỗ, không phải đô vật khỏe hơn, cao to hơn sẽ thắng trận, mà có khi người nhỏ con hơn vẫn có thể thắng, thậm chí trong một trận đấu nếu thua keo đầu vẫn có thể chuyển bại thành thắng ở hai keo còn lại. Bí quyết là sự khôn khéo, linh hoạt, biết chớp thời cơ đúng lúc của đô vật (!). Sới vật ngày xuân nơi đây mặc dù quyết liệt, có kẻ thắng, người thua, nhưng các đô vật đều vui vẻ bắt tay ra về, rèn luyện các ngón đòn để năm sau lại tranh tài. Ông Trần Trọng Tĩnh, Trưởng ban hương ước làng Sắc cho biết: Tồn tại hàng trăm năm, sới vật làng Sắc từng rất nổi tiếng bởi có sự tham dự rất đông của các đô vật trong tỉnh và các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam... Người đưa tiếng tăm sới vật làng Sắc bay xa là cụ Dư Hồ sống cách đây khoảng 180 năm. Cụ nổi tiếng là đô vật có sức khỏe kinh người, hai tay rắn như sắt, mỗi lần dậm chân xuống tấn, sàn sới vật rung lên bần bật… đã từng nhiều năm đoạt chức vô địch giải vật của làng. Để quảng bá vật làng Sắc, cụ còn sang đất Hưng Yên, Thái Bình... lập sới, treo giải thách thức các đô vật nơi đây mà không ai dám đấu. Sau thế hệ cụ Dư Hồ, với việc tổ chức sới vật hằng năm, làng Sắc đã sản sinh nhiều đô vật nổi tiếng từng nhiều lần đại diện cho huyện Mỹ Lộc giành giải cao tại Giải vật tự do tỉnh.
Một trận đấu thuộc Giải vật tự do tỉnh. |
Âm thanh huyên náo của các sới vật đầu xuân còn vang lên trên vùng đất ven biển Giao Hải (Giao Thủy). Môn vật nơi đây được hình thành từ hơn 100 năm trước gắn với lịch sử mở đất, lấn biển, lập làng của các thế hệ cha ông vốn là những cư dân của vùng đất vật nổi tiếng Trà Lũ Trung, xã Xuân Trung (Xuân Trường). Về miền đất mới, các bậc cao niên đã không quên tổ chức sới vật đầu xuân trong lễ hội Đình - Đền Kiên Hành vào ngày 5, 6 tháng Giêng, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, vật cổ truyền như một phần máu thịt, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Hơn 100 năm hình thành, phát triển, môn vật ở xã sản sinh ra nhiều đô vật nổi tiếng. Thời Pháp thuộc, xã có các đô vật Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Chi Đằng, Trần Văn Gián, Lê Văn Đán, Lê Văn Đăng, Lê Văn Khang, Trần Văn Thạc... vang danh khắp thiên hạ, trong đó nổi tiếng nhất là đô Trần Văn Gián. Vùng Trà Lũ Trung thời đó có đô vật Ba nổi tiếng có sức mạnh như voi, sở hữu kỹ thuật vật hiểm hóc, từng đánh bại nhiều đô vật lớn, đoạt chức vô địch vật Bắc Kỳ và được người Pháp rất yêu mến. Nhiều đô vật trong và ngoài tỉnh đã về Trà Lũ Trung thi đấu với Ba “voi” đều nhận kết quả thua cuộc. Sau nhiều năm ẩn mình tập luyện, đô vật Trần Văn Gián đã quyết lên thượng đài với Ba “voi”. Trận đấu diễn ra rất quyết liệt. Trước sức mạnh của đối thủ, đô Gián đã khéo léo hóa giải, dùng đòn quyết định hạ Ba “voi” thua cuộc… Thời chống Mỹ cứu nước, xã Giao Hải cũng có nhiều đô vật từng đoạt giải nhất, nhì giải vật miền Bắc như Nguyễn Văn Đậu, Trần Văn Bào, Lê Văn Lâm... Những năm 80 của thế kỷ trước, ông Trần Trung Trực là đô vật nổi tiếng nhất xã khi đoạt HCV giải vật Hà Nam Ninh ở hạng cân 67-74kg, sau đó giành giải nhì vật toàn quốc được tổ chức tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình năm 1983. Sau này khi không còn thi đấu, ông Trực bỏ công sức mở lò, truyền dạy vật cho thế hệ trẻ trong xã cũng như trong huyện. Nhiều đô vật dưới tài luyện của ông Trực như Lê Văn Tài, Lê Văn Huỳnh, Lê Văn Viên, Nguyễn Văn Chinh, Phạm Văn Hai, Lê Văn Đôn... đã nhiều lần tham gia đội tuyển vật huyện Giao Thủy giành giải cao tại Giải vật tự do tỉnh. Khôi phục và phát triển môn thể thao thượng võ của cha ông, đầu xuân năm 2015, nhân dịp việc trùng tu, tôn tạo Đình - Đền Kiên Hành, xã Giao Hải đã tổ chức hội vật với sự tham gia của hơn 30 đô vật trong huyện và các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Trường Đại học Từ Sơn Bắc Ninh, trong đó đội vật huyện với nòng cốt là xã Giao Hải đã giành giải nhì. Tiếp nối thành công hội vật năm 2015, vào dịp lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017, xã sẽ tiếp tục tổ chức hội vật nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân, đồng thời khích lệ thanh niên trong xã tập luyện thể thao thêm cường tráng, nghị lực, lòng dũng cảm để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Lễ hội Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng hằng năm luôn có nhiều môn thể thao giải trí như chọi gà, tôm điếm, cờ tướng nhưng sôi động nhất, hấp dẫn du khách nhất là đấu vật. Vật trong trong lễ hội Chùa Đại Bi còn được gọi là vật chầu Thánh bởi trước mỗi trận đấu, các đô vật đều vái lạy Phật và Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lập đất, giúp dân nơi đây có cuộc sống ấm no. Dù đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nhưng vật chầu Thánh vẫn được Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhân dân duy trì tổ chức hằng năm. Tương truyền, đô vật nổi tiếng từng tham dự và đoạt giải cao sới vật Chùa Đại Bi là Từ Uy tướng quân Nguyễn Điền, người thuộc xã Bình Minh (Nam Trực) có sức mạnh và dẻo dai hơn người. Khi tham gia đánh giặc Tàu Ô, ông đã lanh lẹ, mưu trí bắt tên tướng giặc rồi dùng chính tên đó làm vũ khí đánh ngã hàng chục tên giặc khác. Đô vật Đoàn Lược, người thuộc Thị trấn Nam Giang là người vô địch giải vật lễ hội Chùa Đại Bi nhiều năm liền sở hữu nhiều miếng đòn hiểm, trong đó có miếng xuống bụng nằm như dính với đất khiến nhiều đối thủ không thể nhấc chân ông lên được, sau đuối sức bị ông phản đòn phải chịu thua. Từ truyền thống vật tự hào đó, người đi trước truyền lại các miếng vật cho thế hệ sau. Ngoài ra, người dân nơi đây còn mời thầy vật giỏi ở khắp nơi về truyền dạy. Thời cao điểm, cả thị trấn có tới 20 đô vật giỏi, nhiều đô vật tham gia vào đội tuyển vật huyện Nam Trực thi đấu Giải vật tự do tỉnh. Là giải vật truyền thống, vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi bắt đầu với các bài “xe đài, cuốn chỉ”. Thường các đô vật có tuổi, kinh nghiệm sẽ được chọn biểu diễn các bài “xe đài, cuốn chỉ” với các động tác như kéo lưới, bổ chài, chim vỗ cánh bay... thể hiện sự mạnh mẽ, uyển chuyển, đẹp mắt mang tính chất vừa chào hỏi đối thủ, khán giả, sau đó bái Phật, Thánh, các vị anh hùng dân tộc rồi mới bắt đầu xung trận thi thố những “miếng” đánh như sốc nách, vạch sườn, chớp giật, quật, ngã... Ngày trước, sới vật có nhiều đô vật đến từ các lò vật: Mỹ Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản), làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), thậm chí các đô vật ở Đặng Xá (Hà Nam), Tiền Hải (Thái Bình)..., tuy nhiên nhiều năm lại đây chủ yếu là thanh niên của thị trấn. Các đô vật tham dự không phải bởi tiền thưởng mà với tâm niệm giành thắng lợi trong một trận đấu vật chầu Thánh đầu xuân sẽ dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm nên thi đấu lăn xả, nhiều trận đấu diễn ra quyết liệt, cống hiến cho khán giả những đòn vật hay, đẹp mắt.
Trong tiết trời giá lạnh, mưa lất phất bay, các đô vật mình trần, đóng khố quần nhau giữa sới vật, chung quanh là tiếng hò reo huyên náo của hàng trăm người, cùng tiếng trống giục liên hồi đã trở thành nét đẹp của các sới vật đầu xuân. Việc tổ chức các sới vật đầu xuân là sự cố gắng của các địa phương trong việc khôi phục, duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống của cha ông; làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong những ngày đầu xuân mới./.
Bài và ảnh: Đức Thiện