Xác định công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Trực Ninh đã tập trung các biện pháp thực hiện công tác giảm nghèo. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Bà Vũ Thị Nhạn, ở xóm 5, xã Trực Thanh là đối tượng người có công, kinh tế gia đình khó khăn, được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa nhà ở. |
Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó xây dựng triển khai thực hiện chính sách và các giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo và triển khai công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo và các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Theo thống kê, đầu năm 2016, trên địa bàn huyện có 4.474 hộ nghèo, chiếm 7,41% tổng số hộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người nghèo. Các hộ nghèo, cận nghèo luôn được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục. Năm 2016, toàn huyện có 10.596 người nghèo và 16 nghìn người cận nghèo được cấp thẻ BHYT, với tổng chi phí trên 3,1 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có 6.530 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí, giảm bớt khó khăn. Đối với chính sách hỗ trợ GD và ĐT, trong năm học 2016-2017, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho học sinh con hộ nghèo theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ cho trên 3.700 lượt học sinh, sinh viên với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện có 545 học sinh, sinh viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều học sinh, sinh viên có nguy cơ phải nghỉ học được tiếp tục đến trường. Các chính sách: hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện đều được triển khai đúng đối tượng. Trong năm, có 4.451 lượt hộ nghèo trong huyện đã được hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn trong chi phí sinh hoạt hằng ngày của người nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện để người nghèo và hộ nghèo tiếp cận các chương trình tín dụng; hỗ trợ xây dựng nhà ở; xây dựng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ phương tiện sản xuất, giống cây trồng và vật nuôi kết hợp với việc tuyên truyền định hướng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con áp dụng; ưu tiên dạy nghề lao động nông thôn cho người nghèo trong độ tuổi lao động nhằm giải quyết việc làm, tạo việc làm mới… Nhằm giúp các hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đến 100% các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi của Nhà nước. Trong năm 2016, trên địa bàn huyện có 689 lượt hộ nghèo và 945 lượt hộ cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, với tổng dư nợ trên 53 tỷ đồng, nhờ đó đã có 180 hộ vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo còn được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm… Cũng trong năm 2016, đã có 25 hộ nghèo được hỗ trợ sửa nhà, giúp các hộ có chỗ ở vững chắc, yên tâm lao động, sản xuất. Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, mỗi năm, huyện đào tạo nghề cho trên 2.000 lao động với các ngành nghề phù hợp nhu cầu, khả năng người lao động, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm, từ ngân sách của huyện và các dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, đã có 180 người nghèo trong huyện được tập huấn, truyền nghề. Các hộ nghèo, cận nghèo còn được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên huyện tuyên truyền và hướng dẫn cho đoàn viên, hội viên quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều lao động thuộc diện nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.
Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của huyện Trực Ninh đã đạt được kết quả quan trọng. Các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống, còn 4,34%. Thời gian tới, huyện Trực Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác giảm nghèo. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án giảm nghèo; hỗ trợ người nghèo kịp thời, dân chủ, công khai, đảm bảo đúng đối tượng; đảm bảo hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, tín dụng ưu đãi. Quan tâm làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tinh thần vươn lên thoát nghèo. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội./.
Bài và ảnh:
Minh Tân