Tại Trung tâm GDTX Vũ Tuấn Chiêu (Nam Trực) từ nhiều năm nay, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống được duy trì đều đặn, đã tác động tích cực đến việc bồi dưỡng, giáo dục nhân cách và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Hằng năm, ngoài việc mời cán bộ Công an, Tư pháp huyện đến để tuyên truyền, triển khai thực hiện các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Trung tâm thường xuyên tổ chức giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống ở tiết sinh hoạt tập thể sáng thứ hai hằng tuần thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các chủ đề giáo dục môi trường, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Cùng với các hoạt động trên, trong năm học vừa qua, với việc tổ chức các hoạt động như hội thi văn nghệ, thi rung chuông vàng, tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, Trung tâm đã thu hút nhiều học viên tham gia, góp phần giáo dục, hình thành phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống tập thể, tinh thần hợp tác, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Vào tiết sinh hoạt tập thể lớp cuối thứ bảy hằng tuần, giáo viên chủ nhiệm lớp động viên khích lệ các cá nhân, nhóm, tổ thực hiện tốt nội quy, quy chế, rút kinh nghiệm chấn chỉnh những tồn tại ở học sinh của lớp mình trong quá trình học tập, rèn luyện, đồng thời lắng nghe ý kiến của học sinh về các vấn đề được đề cập cũng như những băn khoăn, thắc mắc của các em để có định hướng, giải quyết kịp thời.
|
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một hoạt động ngoài giờ. |
Hiện nay, cùng với việc giáo dục về văn hóa, đạo đức, các trường học trong tỉnh còn quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đối với các trường mầm non, giáo dục kỹ năng sống được thực hiện nhằm hình thành cho học sinh những kỹ năng giao tiếp cơ bản như: kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh. Ở các trường tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX, bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Khi học môn Vật lí, Sinh học, Địa lí, học sinh có thêm kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, học sinh được giáo dục sâu sắc về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Các nhà trường còn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tăng cường hoạt động, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường, tập trung vào việc giáo dục những kỹ năng sống cơ bản, qua đó hình thành cho học sinh các giá trị sống, kỹ năng sống tích cực. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống còn được các nhà trường gắn với các hoạt động cụ thể như: xây dựng các hoạt động ngoại khóa thông qua các cuộc thi văn nghệ gắn với giáo dục giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Ngành GD và ĐT phối với Đoàn Thanh niên, Công an nhằm rèn luyện, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết, bản lĩnh chính trị vững vàng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Các tổ chức Đoàn, Đội trong các nhà trường cũng thường xuyên định hướng cho các em đọc những câu chuyện ngụ ngôn, những tác phẩm văn học mang tính nhân văn, giáo dục đạo đức để rút ra những bài học về khả năng ứng xử trong mọi tình huống, giải quyết hợp lý các mâu thuẫn trong cuộc sống... Đồng thời tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời, giúp các em tìm ra khái niệm bài học dựa trên cảm nhận về các bài hát, các câu chuyện cười, các bài học đạo đức, các tác phẩm văn học nghệ thuật… để các em suy ngẫm rút ra ý nghĩa bài học. Các em sẽ được học các giá trị cơ bản trước và học các kỹ năng dựa trên các giá trị này, nhằm hình thành cách tư duy linh hoạt, phong thái tự tin khi hòa nhập cộng đồng, đồng thời sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa có một bộ chương trình chuẩn quy định cụ thể về thời lượng, kiến thức kỹ năng sống cho học sinh nên hầu hết các nhà trường vẫn còn lúng túng khi tổ chức các hoạt động cũng như tích hợp nội dung rèn luyện kỹ năng sống trong các bộ môn trên lớp cho các em. Trong mỗi năm học, nhà trường có tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cũng chỉ tổ chức được từ 2 đến 3 buổi cho toàn thể học sinh. Các hoạt động tập thể chủ yếu tuyên truyền về pháp luật, giáo dục sức khỏe giới tính, tuyên truyền về phòng, chống các tệ nạn xã hội… được gắn thêm tính năng giáo dục kỹ năng sống. Các nội dung giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong các môn học chủ yếu ở các môn: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, chưa có sự hướng dẫn nội dung tích hợp cụ thể ở các bài học, nên việc tích hợp phụ thuộc ở khả năng của mỗi giáo viên. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh trong các nhà trường còn nhiều hạn chế; việc đánh giá đạo đức lối sống học sinh hiện nay có tình trạng giáo viên chủ nhiệm chủ yếu xếp loại tốt, khá. Điều này vô tình khiến những học sinh ngoan, giỏi lúc nào cũng phải giữ cho hạnh kiểm ở mức tốt, từ đó các em phải thu mình, không dám bộc lộ cá tính, cách sống riêng... Đây là trở ngại lớn bởi đội ngũ giáo viên cũng chưa được trang bị kiến thức về kỹ năng sống và không có khung chương trình chung để tổ chức giảng dạy.
Việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống dù ở hình thức nào cũng có bước chuyển biến quan trọng nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết về cuộc sống ở lứa tuổi các em. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành GD và ĐT thì gia đình cũng là môi trường rèn luyện để các em có thể phát triển kỹ năng sống đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. Khi các em được trang bị các kỹ năng sống cần thiết cùng ý thức vươn lên trong học tập, chắc chắn sẽ trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh