Nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường của chính quyền cấp xã

08:02, 21/02/2017
Những năm qua, công tác quản lý hoạt động xả thải, bảo vệ môi trường (BVMT) ở cơ sở còn nhiều bất cập hạn chế, không kiểm soát kịp thời các nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế về năng lực, đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện công tác BVMT của chính quyền cấp xã là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên. Trong điều kiện công tác BVMT ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, yêu cầu về môi trường trong thương mại quốc tế, hội nhập ngày càng cao... đặt ra yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác BVMT của các cấp chính quyền, trong đó có trách nhiệm của chính quyền cấp xã. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm năng lực của cán bộ, lãnh đạo cấp xã trong công tác BVMT.
 
Theo đó, Sở TN và MT và các huyện, thành phố đã tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách môi trường cấp xã xử lý, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, giúp các cán bộ cơ sở tham mưu tốt hơn cho UBND trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT tại địa phương. Sở TN và MT tăng cường vai trò của cơ quan chuyên môn về môi trường trong tổng hợp nhu cầu, đề xuất phân bổ hợp lý nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về BVMT tại cấp xã; chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý BVMT của chính quyền cấp xã. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở TN và MT tham mưu với UBND tỉnh tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Tại Hải Hậu, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn đến từng doanh nghiệp, mỗi người dân trên địa bàn hiểu và tuân thủ theo quy định về BVMT; yêu cầu các địa phương, đơn vị phải bố trí lực lượng, kinh phí cho hoạt động môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác BVMT trên địa bàn; phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các CCN. Tăng cường công tác quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn, hạn chế phát triển các làng nghề có hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Theo Sở TN và MT, đến nay, tổ chức bộ máy quản lý về BVMT cấp xã trên toàn tỉnh đã từng bước được củng cố. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã nhận thức rõ về trách nhiệm BVMT của mình và từng bước nâng cao chất lượng công tác tổ chức chỉ đạo, điều phối hoạt động BVMT ở địa phương. Các xã, phường, thị trấn đều giao nhiệm vụ quản lý về môi trường cho cán bộ địa chính kiêm nhiệm; chủ động ban hành và triển khai kế hoạch, chương trình công tác BVMT nhằm tiếp tục nâng cao ý thức BVMT của cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm BVMT. Đến nay tại các địa phương đều đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác BVMT, xử lý rác thải sinh hoạt trong khu dân cư. Cụ thể đã nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về BVMT và thu gom rác thải ở địa phương; đưa công tác BVMT và thu gom xử lý rác thải thành tiêu chí thi đua của các đơn vị và các hộ gia đình; xây dựng chế tài thưởng, phạt nghiêm minh trong công tác BVMT và thu gom, xử lý rác thải. Thành lập các tổ, đội, doanh nghiệp dịch vụ thu gom, xử lý rác thải tại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, đủ năng lực để hoạt động. Đa dạng hóa việc đầu tư các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để phục vụ tốt công tác thu gom, xử lý chất thải, rác thải. Các xã, phường, thị trấn tổ chức nhân rộng một số mô hình điểm về thu gom, xử lý rác thải để phục vụ sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn các cơ sở tận thu, tái chế, tái sử dụng và xử lý tại chỗ các loại chất thải; khuyến khích hỗ trợ các mô hình tái chế, tái sử dụng rác thải nhằm cải thiện môi trường xanh - sạch - đẹp. Công bố thông tin về hiện trạng môi trường, công tác BVMT làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương, thông qua các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và trong các cuộc họp UBND, HĐND cấp xã. Các địa phương có làng nghề đã chủ động phương án BVMT làng nghề để tổ chức thực hiện; đôn đốc việc xây dựng nội dung BVMT trong hương ước, quy ước của làng nghề. Bố trí cán bộ có kiến thức về pháp luật, quản lý môi trường theo dõi việc thực hiện công tác BVMT làng nghề; hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề. Ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác quản lý môi trường, đầu tư, sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT tại các làng nghề được khuyến khích phát triển. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT làng nghề. 
 
Thời gian tới, Sở TN và MT tiếp tục tranh thủ các dự án, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT cấp xã. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP về bảo đảm trách nhiệm của UBND cấp xã trong BVMT. Trong đó, phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Báo cáo UBND cấp huyện về công tác BVMT, tình hình phát sinh và xử lý chất thải của làng nghề trên địa bàn định kỳ một năm một lần trước ngày 30-10 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu./.
 
Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com