Hậu phương của những người lính biển

07:02, 02/02/2017

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có biết bao người lính biển đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân của mình, dệt nên những khúc tráng ca về lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì đất nước. Phía sau họ là quê hương, gia đình, những người mẹ, người vợ đảm đang tần tảo, thủy chung son sắt, luôn biết vượt lên khó khăn trong cuộc sống, động viên người lính chắc tay súng bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và trong cuộc sống hôm nay, khi vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, các chị, các mẹ vẫn tiếp nối truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thay chồng, con gánh vác mọi công việc gia đình, làm hậu phương vững chắc để những người lính có thêm sức mạnh, can trường canh giữ biển, đảo quê hương.

Một ngày đông lạnh giá, chúng tôi về thôn 3, làng An Nhân, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) tìm gặp gia đình ông Đặng Ngọc Quế, một gia đình tiêu biểu giàu truyền thống cách mạng, có 3 thế hệ tham gia hải quân bảo vệ bình yên tuyến biển của Tổ quốc. Trò chuyện cùng ông chừng nửa tiếng thì bà Trần Thị Hợi, vợ ông đi chợ về. Bà tất tả hạ thúng rau giống từ trên xe xuống đất, vội vã đi rửa chân tay vào tiếp khách. Thấy tôi chăm chú ngắm chiếc xe đạp, bà cười hiền hậu: Cái xe cũ lắm rồi, đã gắn bó với tôi suốt 40 năm, các cháu cứ bảo bán đi, nhưng đây là món quà ông nhà tôi gửi từ miền Nam về thời còn đi chiến đấu nên tôi vẫn giữ làm kỷ niệm. Qua những lời kể giản dị, sống động của ông bà, chúng tôi được trở về với quãng thời gian hoạt động cách mạng hào hùng, khí thế của ông hơn 50 năm về trước, về truyền thống cách mạng của gia đình. Từng là bí thư xã đoàn, xã đội phó chính trị đang hoạt động đầy sôi nổi tại địa phương, năm 1964, ông tình nguyện tham gia lực lượng hải quân. Khi đó, ông bà mới cưới nhau được 2 tháng rưỡi. Ông được phân công làm tiểu đội trưởng, phong hàm hạ sĩ quan, biên chế tại Trung đoàn 170, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Sau đó, ông được điều sang làm tổ trưởng đội 1A, Trung đoàn đặc công 126B Hải quân, đội quân “thiện nghệ” khi cuộc “Chiến tranh đặc biệt” bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ngày đó, để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến, các chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 126B phải tập luyện khá vất vả. Ngoài việc tập bơi 50km trong khoảng thời gian ngắn nhất để sẵn sàng nhận nhiệm vụ đánh phá tàu địch trên biển; các chiến sĩ phải học thả trôi, tập võ, bắn súng, đèo, chở vật nặng bằng xe đạp... Hoàn thành khóa huấn luyện, đơn vị ông được tung vào chiến trường bắc Quảng Trị trong thời kỳ chiến trường đặc biệt nóng bỏng. Nhớ lại cuộc chiến hào hùng ở nơi được gọi là “cối xay thịt”, ông Quế vẫn kể cho con cháu nghe kỷ niệm về trận đánh 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân ngụy đang bị giam chân ở mặt trận đường 9, Khe Sanh. Trung đoàn 126 được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ lực, tấn công làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của địch tại Cửa Việt. Ông Quế đã cùng đồng đội chiến đấu anh dũng với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều” nên đã đánh chìm rất nhiều tàu chiến của địch. Xác định tư tưởng làm nhiệm vụ có thể sẽ hy sinh, vì vậy, mỗi lần đi làm nhiệm vụ, ông đều gửi lại ba lô đồng đội, phòng khi hy sinh thì nhờ anh em báo tin về gia đình. Trong một lần giao tranh ác liệt, đơn vị ông bị phục kích, trên không máy bay địch thả bom bất ngờ, dưới đất, đạn bắn tới tấp, ông bị thương và được đưa về tuyến sau điều trị. Ra viện năm 1973, ông được điều ra Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ đội trưởng đội huấn luyện; được cử đi học lớp sơ cấp chính trị hải quân. Năm 1974, sau khi hoàn thành khóa học, ông được điều về phòng cán bộ hải quân; rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1986, ông tiếp tục được cử làm phó ban cán bộ, lựa chọn, sắp xếp chiến sĩ tham gia Chiến dịch Trường Sa, vùng 4, hải quân. Sau cùng, ông được điều về Bộ Tư lệnh Hải quân và nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm trung tá. Đến nay, ông tròn 55 năm tuổi Đảng và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Trường Sa. Suốt bao nhiêu năm ròng ông đi chiến đấu, bà Hợi một mình nuôi các con, chăm lo cho bố mẹ. Gia đình ông nghèo, hồi ấy chỉ có 5 gian nhà tường đất, 3 anh em trai đều đi bộ đội. Bà về làm dâu, ban ngày làm HTX, xong việc thì mua tôm cá lên tận Thành phố Nam Định để bán; ban đêm lại đi trực ở Trạm y tế xã. Những lúc khó khăn, gạo không có mà ăn, con khát sữa, mẹ khóc, con khóc nhưng bà không chùn bước. Sau này, dù đã nếm trải quá nhiều vất vả của một người vợ lính, dù ông từng trải qua thời thanh xuân gian khó, hiểm nguy, “lành ít, dữ nhiều”, nhưng ông bà vẫn động viên con cháu tham gia góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Tiếp nối nhiệt huyết đó, 2 con trai và cháu ngoại của ông đều tham gia quân chủng hải quân góp sức bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Anh Đặng Hồng Quân, con trai cả của ông sau khi tham gia hải quân được cử đi học tại Học viện Hải quân đỗ bằng ưu, được đề bạt vượt cấp và giữ lại làm giảng viên tại học viện, là chính trị viên của tiểu đoàn học viện. Hiện tại, anh là thượng tá, trưởng phòng tuyên huấn Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Anh con thứ của ông là Đặng Kiên Quyết học hết cấp 3 thi đỗ Trường Trung cấp cơ điện Hải quân, ra trường, anh được phân công làm ngành trưởng cơ điện của tàu hải quân, rồi được điều về quân báo hải quân. Sau đó, anh được phân công thường trực tại đảo Hoàng Sa, làm Cảnh sát biển tàu 2012, Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 2. Giữa năm 2014, sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tàu cảnh sát biển anh Quyết làm nhiệm vụ mang số hiệu 2012 đã kịp thời có mặt tại hiện trường, tiến hành thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Anh Quyết cùng đồng đội và lực lượng tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc, phát tín hiệu tuyên truyền, yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Trước hình ảnh tàu 2012 liên tiếp bị tàu của Trung Quốc đâm, húc, phun vòi rồng..., dù lòng quặn thắt âu lo, ông bà vẫn luôn gọi điện, động viên con trai dũng cảm, tự tin đấu tranh với hành vi ngang ngược của các tàu Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương; đồng thời, trấn an con dâu và các cháu, làm hậu phương vững chắc giúp anh Quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao. 26 năm làm nhiệm vụ trên tàu cảnh sát biển, anh Quyết vừa mới nghỉ chế độ. Tiếp bước cha ông, cháu ngoại của ông bà là chiến sĩ Trần Hồng Phúc đã lên đường, canh giữ bảo vệ bình yên tại đảo Trường Sa Đông. Sau 2 năm đi làm nghĩa vụ, hiện đang đi học kỹ thuật điện lạnh, điện tử do quân đội đào tạo. Cháu nội Đặng Dương Ngọc đang học Trường Trung cấp kỹ thuật hải quân ở Cát Lái, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, tương lai sau khi ra trường sẽ về công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Ông Đặng Ngọc Quế, thôn 3, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) thường xuyên kể cho con cháu nghe về những người lính đang canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Đặng Ngọc Quế, thôn 3, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) thường xuyên kể cho con cháu nghe về những người lính đang canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở vùng quê biển Hải Hậu, nhắc đến cô giáo Trần Thị Huế, giáo viên Trường THCS Thị trấn Thịnh Long, đồng nghiệp và học sinh đều dành cho chị tình cảm yêu thương, trân trọng. Gần 20 năm, một mình gánh vác công việc gia đình 2 bên nội ngoại khi chồng xa nhà biền biệt, chị vẫn nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, là giáo viên “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Năm 2000, chị lập gia đình với anh Nguyễn Văn Thuận, quê xã Hải Châu. Anh Thuận khi đó công tác tại Trung đoàn 196 tàu ngầm ở Cam Ranh (Khánh Hòa), đến năm 2003 thì chuyển về Hải đội 101, vùng 1, Cảnh sát biển. Qua 2 kỳ nghỉ hè chị lặn lội vào thăm anh ở đơn vị, tình yêu của 2 người đã kết trái ngọt bằng sự ra đời của bé trai kháu khỉnh Nguyễn Vũ Thọ. 6 năm sau, bé gái Nguyễn Vũ Thùy Dung ra đời. Chưa trọn niềm hạnh phúc, chị đã phải sống trong tâm trạng âu lo khi chẳng may, cậu con trai bị mắc bệnh lõm lồng ngực, chảy dịch khớp háng, khớp gối, phải đi bệnh viện điều trị thường xuyên. Chị Huế đã phải trải qua những tháng ngày thật khó khăn khi con ốm đau liên miên mà không có chồng bên cạnh đỡ đần, chia sẻ. Nhưng người phụ nữ sức vóc mảnh mai ấy vẫn kiên cường vượt qua, nuôi các con khôn lớn, chăm sóc bố mẹ già yếu, làm điểm tựa tinh thần vững chãi để chồng yên tâm công tác. Đã thành thói quen, mỗi lúc việc trường, việc nhà tạm ngơi, chị Huế lại dắt cô con gái nhỏ lặng lẽ ra ngóng về phía biển. Từ lúc anh đi, biển đối với chị đã trở thành tình yêu, nỗi nhớ. Những phút thoáng buồn vì anh xa nhà biền biệt chỉ gợn lên đôi chút trong lòng khi chứng kiến những ngày lễ, tết, gia đình mọi người sum vầy, tụ họp đủ chồng đủ vợ. Bởi trong lòng chị, niềm yêu mến, tự hào về công việc, nhiệm vụ cao cả của người lính biển còn lớn hơn nhiều. Chị bảo, mình ở nhà dù vất vả nhưng còn có gia đình, bạn bè, làng xóm, anh và đồng đội lênh đênh giữa biển cả mênh mông, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, kẻ thù rình rập, nhiều khi biển động chẳng nấu nổi cơm ăn, so với các anh, nỗi vất vả ấy có thấm tháp gì. Mỗi lần anh gọi điện về, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng. Và mỗi lúc nhớ anh, mẹ con chị lại mang lá cờ Tổ quốc anh gửi về ra nâng niu, ngắm nghía. Một lá cờ thật đặc biệt với rất nhiều chữ ký của các nhà báo trong nước và quốc tế có mặt trên tàu 8003 của anh và đồng đội trong những ngày kiên cường đấu tranh ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 vào giữa năm 2014 giữa biển khơi. Đó là kỷ vật vô giá, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của những người lính biển.
 
Không thể kể hết nỗi vất vả của những người mẹ, người vợ lính biển. Nhưng đáng quý, đáng trân trọng hơn là tấm lòng của họ bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo vẫn đang đặt lên vai người lính biển trách nhiệm vô cùng lớn lao và sự hy sinh của họ chẳng thấm tháp gì so với những vất vả, gian khó mà chồng, con, cha anh họ đang phải đối mặt để giữ yên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./. 
 
Bài và ảnh: Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com