Đổi thay ở ngôi làng hình "cá chép"

08:02, 09/02/2017
Tìm về miền quê nổi tiếng xa gần với địa thế độc đáo hình “cá chép”, trước mắt chúng tôi làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) hiện ra trong sương sớm mai đầy vẻ trầm mặc, cổ kính với các cổng làng, cổng nhà, tường bao cổ được tôn lên nổi bật bởi những con đường mới được đổ bê tông sáng trắng. 
 
Ông Đặng Ngọc Kỳ, phó Ban quản lý di tích Chùa Keo làng Hành Thiện cho biết: Làng Hành Thiện đã có lịch sử hơn 600 năm từ thời Hậu Lê, thế kỷ XV. Ngay từ thuở lập làng, các bậc tiền nhân đã quy hoạch làng theo kiến trúc đô thị với hạ tầng phù hợp đặc điểm địa thế giáp sông. Toàn bộ làng được kết nối với bên ngoài bằng 14 cây cầu tạo thuận lợi trong sinh hoạt, thông thương cho hơn 8.000 nhân khẩu của 15 xóm. Người xưa đã đầu tư công sức đào sông, nắn dòng bồi đắp kè con sông Đập (1 nhánh của sông Ninh Cơ) xung quanh làng để tạo nên địa thế “cá chép” với đầu hướng nam, đuôi hướng bắc, bụng hướng tây, lưng hướng đông, đồng thời cũng rất kỳ công quy hoạch vùng đất thổ cư dọc ngang theo ô bàn cờ. Khu định cư của dân làng được phân chia thành 15 xóm chạy ngang từ bụng ra lưng cá tựa như các xương sườn của cá. Điểm đáng lưu ý là mỗi thổ cư được quy định là 1 sào 5 miếng đất và ao. Các ngôi nhà trong làng cũng được “quy hoạch” xây dựng theo kiểu “thượng gia, hạ trì” (trên là nhà, dưới là ao; mặt tiền mỗi nhà đều là ao). Các trung tâm hành chính, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của làng cũng được sắp xếp khoa học. Khu vực phần “đầu cá” được bố trí miếu thờ Thần Tam giáp. Mỗi giáp là một thôn, thờ một vị thần; giáp Bắc thờ “Đế Thích Thiên Chúa”, giáp Nam thờ “Nam Hải Đại vương”, giáp Đông thờ “Đoàn Thượng Đại vương”. Nơi “mang cá” là chợ Hành Thiện. Khu thổ cư chia thành 14 dong, mỗi dong cách nhau 60m, chiều sâu của dong dài nhất 600m, dong ngắn nhất 200m. Mỗi dong dài được chia thành 2 xóm, dong ngắn một xóm; ở hai đầu mỗi dong là 2 cổng, cổng trước nhìn thông thẳng đến cổng sau. Nhiều nhà cửa được xây dựng theo kiểu nhà hiện đại, có 3 kiểu nhà cửa: nhà mái tranh nhưng có những công trình bằng gạch: sân gạch, tường gạch, bể nước; nhà tường gạch mái ngói với cột gỗ, nhà ngói tường gạch hoàn toàn, không cột. Các con đường ở mỗi dong đều được lát gạch chỉ hoặc đá phiến, hai bên đường là nhà ở tựa như đánh số lẻ, số chẵn. Dọc theo đường đi ở các dong có rãnh thoát nước, sau trận mưa, nước chảy vào các ao hồ và ra sông con rất nhanh, làng không bao giờ bị úng ngập. Từ “vây cá” đến “đuôi cá” là phần ruộng gieo mạ và nghĩa trang nhân dân. Vây “đuôi” trên về phía đông bắc có chùa Đĩnh Lan thờ Phật Bà Quan Âm Nam Hải (là vị thần bảo hộ cho vùng dân cư sông nước và biển cả). Vây “đuôi” phía dưới hướng tây bắc có chùa Thần Quang (chùa Keo) thờ Trạng là Quốc sư Dương Không Lộ. Toàn bộ làng Hành Thiện được bao bọc bởi một con đường chạy song song với con sông lát bằng gạch chỉ đỏ son, tạo thành dãy phố với cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất, mang nét đặc trưng của đô thị, khác hẳn với quy hoạch truyền thống của các làng quê Bắc Bộ. Tại ngôi làng, còn rất nhiều cổng nhà cổ với kiến trúc mái vòm, trên lầu có mái âu với nhiều chữ viết cổ gửi gắm kỳ vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc như “Hữu Mục Lân, Phúc Thiện Lân, Duyên Thọ, Nhân Thọ…”. Ngoài ra, Chùa Keo Hành Thiện (tên chữ là Thần Quang Tự) với kiến trúc “nội công, ngoại quốc” bề thế gồm 13 toà rộng, 121 gian dãy dài nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ trước chùa. Các bức tường bao nhà ở làng Hành Thiện cũng in đậm dấu ấn kiến trúc xây dựng xưa của cha ông. Nơi đây vẫn còn các bức tường rào bao quanh các ngôi nhà cổ được xây dựng bằng nguyên liệu đặc trưng của cư dân sông Ninh Cơ sát biển với niên đại hơn 350 năm là vôi, vỏ sò, vỏ hến phối trộn với nhau. Làng hiện còn 31 ngôi nhà cổ với niên đại xa nhất là từ thời Hậu Lê, gần nhất là thời Nguyễn được làm bằng gỗ lim.
Khung cảnh Chùa Keo Hành Thiện. Ảnh: Internet
Khung cảnh Chùa Keo Hành Thiện. Ảnh: Internet
Đến nay, cùng với công cuộc xây dựng NTM trong 5 năm qua, nhiều công trình hạ tầng kiến trúc ở nơi đây đã đổi thay. Ông Vũ Nguyên Giới, một bậc cao niên am hiểu lịch sử làng cho biết: 5 năm qua, về cơ bản kiến trúc ngôi làng đều được giữ nguyên trạng. Chỉ bổ sung một số công trình công cộng như nhà văn hóa (NVH) các thôn xóm và tiến hành kè bổ sung con sông bao quanh làng. Bờ sông phía “bụng cá” dài 2km đều đã được kè khang trang, lề đường hai bên được người dân trồng sấu và liễu xen nhau, 3 cầu xi măng đã được thay thế bằng các cây cầu đá vững chãi. Hiện tại, xóm 1 và 12 đang khẩn trương xây dựng NVH; xóm 2 và xóm 11 đang vận động đóng góp và tìm địa điểm thích hợp để xây dựng. Đường dong trong xóm cũng được người dân đóng góp với mức 100 nghìn đồng/khẩu đổ bê tông mặt, giữ lại hàng đá phiến bên lề đường và rãnh thoát nước cũ, làm thêm nắp đậy bằng bê tông có khe hở để thoát nước khi trời mưa. Cùng với đó, các thôn, xóm đều tiến hành lập hương ước, thống nhất khống chế về chiều cao số tầng của các ngôi nhà xây mới ở làng, đặc biệt ranh giới giữa các dong ngõ, các ngôi nhà để đảm bảo giữ nguyên trạng các dong cũng như hướng các ngôi nhà đều quay về hướng Đông Nam đặc trưng kiến trúc Việt xưa. Làng cũng vận động xã hội hóa đóng góp kinh phí xây dựng thư viện của làng để sưu tầm lưu giữ các tài liệu về lịch sử, văn hóa làng giúp các thế hệ kế cận hiểu biết, hun đúc lòng tự hào cũng như gìn giữ tốt hơn những giá trị văn hóa kiến trúc cha ông xưa để lại ở ngôi làng. Vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ thuộc làng Hành Thiện cũng được cho Tập đoàn Vingroup thuê để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất các loại rau, củ, quả sạch. Dự án được kỳ vọng ngoài tăng giá trị sản xuất nông nghiệp còn giúp tạo nên khung cảnh trù phú của một vùng đất nơi đây. Từ cuối làng lên đầu làng là đi từ không gian tĩnh (chùa làng, cánh đồng) đến không gian động (đường ven sông có nhà ở) và điểm chốt là chợ ồn ào náo nhiệt như một thị tứ. Miếu Tam giáp cổ kính ở đầu mom cá liên tưởng đây như mũi tàu rẽ sóng tại ngã 3 sông. Cảnh quan cây xanh soi bóng, rủ tán xuống mặt nước, sông nằm giữa đường đi bộ, các cụ già ngồi trò chuyện bên ghế nghỉ dọc sông, người câu cá, người rửa chân. Cảnh vật vừa cổ kính vừa hiện đại trong một không gian yên bình và thân thiện.
 
Điều băn khoăn của địa phương là do khó khăn về kinh phí nên một số công trình hạng mục trên địa bàn khi kiến thiết chưa được đầu tư xứng đáng để đáp ứng yêu cầu sử dụng, khai thác cũng như bảo tồn giá trị lịch sử của nơi đây. Thêm vào đó, hai di tích lịch sử chính của làng Hành Thiện là chùa Thần Quang và chùa Đĩnh Lan đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt song việc trung tu, cải tạo nâng cấp các hạng mục liên quan còn chưa được hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo kịp thời các hạng mục công trình này sẽ có ý nghĩa lớn tạo diện mạo khang trang cho ngôi làng đặc biệt ở vùng đất “địa linh, nhân kiệt”./.
 
Đức Toàn


Bể cá mini 40cm Bể cá mini

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com