Đẩy mạnh công tác giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm

08:02, 21/02/2017
Những năm gần đây tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) ở tỉnh ta tuy không gia tăng nhưng diễn biến phức tạp. Số người mắc trong các vụ NĐTP thường lớn, xảy ra tại bữa ăn tập thể đông người. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ NĐTP, 185 người mắc, 99 người nhập viện, không có tử vong; trong đó 2 vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể KCN Bảo Minh vào tháng 4; 3 vụ xảy ra do ăn cỗ đám cưới, đám giỗ vào tháng 10. Khi xảy ra NĐTP, các cơ sở thường giấu thông tin, gây khó khăn cho công tác điều tra và khắc phục hậu quả. Chất lượng hàng hóa thực phẩm vẫn còn một tỷ lệ đáng kể không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu do lạm dụng các hóa chất trong trồng trọt chăn nuôi, trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt việc sử dụng hóa chất cấm như Formol, chất cấm trong chăn nuôi Salbutamol, Clenbuterol vẫn còn tồn tại và được phát hiện. Việc quy hoạch khu vực giết mổ tập trung, quy hoạch chợ an toàn, xây dựng mô hình kiểm soát chất lượng VSATTP tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (GMP, GHP, HACCP, ISO) trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa được đáng kể.  
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tại Siêu thị Big C trong đợt thanh tra, kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm tại Siêu thị Big C trong đợt thanh tra, kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Trước tình hình an toàn thực phẩm đang là vấn đề bức thiết thì công tác giám sát có vai trò quan trọng để kiểm soát chất lượng thực phẩm. Ở tỉnh ta, công tác giám sát thực phẩm đang ngày càng được quan tâm. Các cơ quan chuyên môn đã tăng cường kiểm soát chất lượng VSATTP qua đó cảnh báo để người dân biết được và sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng. Trong đó công tác hoạt động giám sát mối nguy trên 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao do ngành Y tế đảm nhận, hoạt động giám sát mối nguy một số nhóm sản phẩm thủy hải sản do ngành Nông nghiệp thực hiện. Trong quá trình giám sát, các cơ quan chức năng kết hợp lấy mẫu để kiểm tra, phân tích thực phẩm. Tùy vào từng mẫu thực phẩm mà kỹ thuật viên có thể xét nghiệm nhanh tại chỗ hoặc đưa về xét nghiệm tại các Labo của ngành Y tế hoặc một số cơ quan chức năng thuộc ngành NN và PTNT. Trong năm 2016, các ngành chức năng của tỉnh đã xét nghiệm tổng số 3.083 mẫu thực phẩm, trong đó tổng số mẫu xét nghiệm tại Labo 458 mẫu, tổng số mẫu xét nghiệm nhanh 2.625 mẫu. Qua xét nghiệm đã phát hiện 2.778 mẫu đạt (tỷ lệ khoảng 90,1%), 305 mẫu không đạt (tỷ lệ 9,9%), giảm so với cùng kỳ. Tiêu biểu như ngành Y tế tập trung giám sát mối nguy cơ mất ATVSTP tại các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh như: giám sát đảm bảo ATTP chợ Viềng tại Nam Trực và Vụ Bản từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng; giám sát đảm bảo ATTP Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại khu vực Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc; giám sát đảm bảo ATTP Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2016 tại các địa điểm nghỉ, các điểm thi đấu của các đoàn VĐV… Ngành Y tế cũng kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 24 trường mầm non trên địa bàn Thành phố Nam Định với tổng số 6.551 suất ăn tại trường, xét nghiệm nhanh 469 mẫu; giám sát đảm bảo ATTP tại khách sạn Vị Hoàng và huyện Trực Ninh phục vụ cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định năm 2016. Ngành NN và PTNT xét nghiệm 2 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất cấm tại 2 hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn của Cty Hưng Thịnh và 4 mẫu thức ăn của Cty này có dương tính với chất cấm, qua đó, đã tiến hành xử lý theo quy định. Qua xét nghiệm, các ngành chức năng của tỉnh còn phát hiện một số chất cấm như Formol trong bánh phở, hàn the trong chả, chất cấm trong chăn nuôi (Salbutamol), kháng sinh cấm (Cloramphenicol) trong cá bống bớp, tồn dư kháng sinh trong cá bống bớp, trong thịt gà; mực tồn dư hóa chất bảo quản, rau, củ cải sử dụng chất cấm… Trên cơ sở kết quả giám sát, đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc như: Sử dụng Formol trong tôm đông lạnh, trong bánh phở; nước uống đóng bình nhiễm trực khuẩn mủ xanh; kẹo sử dụng đường hóa học Cyclamat cao hơn mức cho phép; giò sử dụng hàn the; nước mắm hàm lượng Histamin cao… 
 
Tuy nhiên, quá trình giám sát các ngành chức năng cũng còn gặp khó khăn do chưa có đầy đủ trang thiết bị, mẫu thử để xét nghiệm, phân tích, dẫn tới việc xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP gặp nhiều khó khăn, nhất là tại tuyến cơ sở. Trong thời điểm hiện nay, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả đang gây nhức nhối cho người tiêu dùng..., trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp và việc lấy mẫu dàn trải nên công tác giám sát chất lượng ATTP vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát ATTP, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định rõ ràng các tiêu chí đánh giá, đặc biệt là đối với các thực phẩm đã được các nhà sản xuất, kinh doanh gọi là an toàn để lưu thông trên thị trường, đặc biệt là đối với một số chỉ tiêu mới liên quan tới chất cấm Salbutamol, Clenbuterol, vàng ô… chưa được cập nhật trong danh mục của Bộ Y tế. Cần có các văn bản quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá, giám sát về thực phẩm. Quan tâm đầu tư nâng cấp các thiết bị, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý ATTP ở cấp cơ sở. Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị phân tích, kiểm định mẫu, thường xuyên thông báo cho người tiêu dùng biết kết quả phân tích mẫu và chất lượng đạt chuẩn của phòng kiểm nghiệm. Các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch tổng thể về giám sát thực phẩm hằng năm với sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chuyên môn cũng như các địa phương./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com