Xác định vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Giờ thực hành của học viên lớp Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Nam Định. |
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động, Sở LĐ-TB và XH đã thường xuyên phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của công tác dạy nghề. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên các cơ sở dạy nghề; đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở dạy nghề công lập, phân bố ở các huyện, thành phố với quy mô đào tạo đạt 30.200 người/năm, đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Trong 5 năm qua, các cơ sở đào tạo nghề đã được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo viên đủ về số lượng và đạt chuẩn về chuyên môn với cơ cấu phù hợp; đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở chuyển từ đào tạo nghề cho người lao động theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của người học nghề và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, chương trình giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng với phương châm cầm tay chỉ việc. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức Hội thi tay nghề giỏi, thu hút hầu hết các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh tham gia và tích cực tham gia Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc và đạt nhiều giải cao. Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc năm 2016, tỉnh ta lựa chọn 7 thiết bị dạy nghề tham gia và đều đạt giải, với 1 giải ba và 6 giải khuyến khích. Tham dự Hội thi tay nghề giỏi toàn quốc lần thứ 9-2016, cả 4 học viên tỉnh ta đều đoạt giải, với 1 giải ba và 3 giải khuyến khích. Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, hằng năm, các địa phương đều tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động đối với từng nghề, Sở LĐ-TB và XH xây dựng, triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Để tạo thuận lợi cho người lao động, các lớp đào tạo nghề được tổ chức linh động, đưa về địa phương, cơ sở sản xuất, người lao động không phải đi xa và được tăng thời gian thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề. Trong 5 năm (2011-2015), toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 lớp dạy nghề cho 35.200 lao động, trong đó 9.707 lao động học các nghề nông nghiệp (chiếm 27,6%), 25.493 lao động học nghề phi nông nghiệp (chiếm 72,4%). Năm 2016, toàn tỉnh đào tạo ở 3 cấp trình độ là 31 nghìn người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó, đào tạo cao đẳng nghề 720 người; trung cấp nghề 860 người; còn lại là sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Riêng Chương trình hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg tổ chức 155 lớp cho 5.262 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, cơ khí, điện tử, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, trồng trọt… Đa số các lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, trên 85% lao động sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 3,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Những lao động sau học nghề nông nghiệp đều tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn. Cùng với việc thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề cho người lao động của tỉnh, các huyện, thành phố đều quan tâm, đầu tư cho công tác đào tạo nghề và triển khai đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM. Tiêu biểu như các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng để tổ chức dạy nghề, đưa nghề mới về địa phương; truyền nghề, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn, thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, các huyện tập trung phát triển các cụm, điểm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động… Với các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh ta đã tăng từ 37,5% (năm 2013) lên 40% (năm 2015) và đến nay đạt 62%. Công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn không chỉ nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho người lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề theo hướng công nghiệp hóa đã dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển, đạt kết quả khá. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Qua hoạt động đào tạo nghề đã tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh. Với trình độ nghề được đào tạo, người lao động đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí NTM. Theo thống kê, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 30 triệu đồng/người /năm. Riêng 112 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,43 triệu đồng (năm 2010) lên 34 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm, toàn tỉnh có hàng nghìn hộ thoát nghèo. Ước tính cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,46% (giảm 1,24% so với năm 2015).
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác đào tạo nghề đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn và xây dựng NTM. Các ngành chức năng, các địa phương tích cực tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Đa dạng hóa các loại hình dạy nghề phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo. Các địa phương cùng với các cơ sở dạy nghề tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; chú trọng nâng cao hiệu quả sau đào tạo, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định và bền vững./.
Bài và ảnh: Minh Tân