Đến xã Phương Định (Trực Ninh) những ngày này, có thể cảm nhận rõ không khí tưng bừng, chào đón năm mới 2017, chào mừng 87 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đổi thay trong diện mạo nông thôn, từ đường làng, ngõ xóm tới cuộc sống của mỗi người dân. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, những con đường nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp. Nhà nhà lách cách tiếng thoi đưa phát triển nghề ươm tơ kéo sợi để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Các công trình phúc lợi như: trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố. Con em trong xã tung tăng tới trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất... Đây là kết quả từ một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.
|
Cơ sở xe tơ của gia đình ông Nguyễn Văn Bạo, thôn Cổ Chất tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. |
Xã Phương Định là vùng đất cổ, nằm ở phía đông nam huyện Trực Ninh, giáp sông Ninh Cơ, có hơn 19 nghìn dân đang sinh sống ở 25 khu dân cư. Đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND xã Phương Định cho biết: Nhận thức rõ về những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng cũng như hạn chế của địa phương, trong điều kiện vừa phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, Đảng uỷ, UBND xã đã xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động sát hợp với tình hình địa phương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống. Do đó những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của xã tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ, thương mại và sản xuất công nghiệp. Tiến độ xây dựng NTM dần được hoàn thiện. Trong sản xuất nông nghiệp, xã xác định đổi mới sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ việc định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, Đảng uỷ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tổ chức lấy ý kiến, đóng góp của đảng viên trong các chi bộ đồng thời yêu cầu các đảng viên gương mẫu đi đầu trong thực hiện và vận động nhân dân tích cực thực hiện. Đến nay, xã đã xây dựng được 20 cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa 100% diện tích làm đất, cơ bản cơ giới hóa khâu thu hoạch. Đồng thời, với lợi thế có vùng đất bãi sông Ninh Cơ rộng trên 100ha, cùng với phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã đã rà soát, thống kê hiện trạng một số vùng để tiến hành dồn đổi, khắc phục tình trạng thửa nhỏ lẻ, manh mún; khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 46 trang trại, gia trại tổng hợp. Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn xã là 101,2ha, sản lượng ước đạt 550 tấn/năm. Giá trị thu nhập từ chăn nuôi ước đạt trên 36 tỷ đồng. Trong phát triển sản xuất CN-TTCN, với lợi thế có nghề dệt, ươm tơ truyền thống cùng với hoạt động giao thương hàng hóa sôi động, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, Đảng uỷ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì mở rộng về quy mô, chất lượng sản phẩm ngành dệt truyền thống; đồng thời đưa một số ngành nghề mới như chế biến lâm sản, cơ khí, nhôm kính, xây dựng vào hoạt động, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Đảng uỷ, UBND xã đã thực nhiều biện pháp đồng bộ như: chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, truyền nghề; tạo điều kiện về thủ tục hành chính để khuyến khích các hộ dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một số hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thêm khung dệt, xây dựng nhà xưởng để mở rộng nghề dệt truyền thống. Sản phẩm chính của dệt Phương Định là các loại khăn ăn, khăn tắm, khăn trải bàn, thổ cẩm, màn tuyn… phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, trên địa bàn xã có 1 xưởng, 3 cơ sở may công nghiệp; 3 Cty, 3 hợp tác xã, 4 tổ hợp dệt và các hộ gia đình với tổng số 900 máy dệt, 250 máy may, 50 máy xe sợi các loại, 120 bếp ươm tơ thu hút trên 2.000 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa CN-TTCN trên địa bàn xã đạt 180 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ làng nghề trên địa bàn xã khá sôi động. Doanh thu từ dịch vụ, thương mại ước đạt 115 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại theo tiêu chí NTM. Trong 5 năm qua, xã đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với đầu tư của địa phương và huy động đóng góp của nhân dân đầu tư nâng cấp Trường THCS Trực Định, Trường THCS Trực Phương, Trường Tiểu học Trực Phương, Trạm Y tế, chợ Phương Định, trụ sở UBND xã và các công trình cầu, cống, thủy lợi, đường trục dự án di dân, các trục đường thôn xóm với tổng kinh phí đầu tư 70 tỷ đồng. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao, sự nghiệp giáo dục đạt thành tích cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số, gia đình và trẻ em… được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngày càng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được giữ vững.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2017, xã Phương Định tiếp tục huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển văn hóa, con người, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh. Theo đó, phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản 21,44%; CN-TTCN, xây dựng 47,94%; dịch vụ, thương mại 30,62%. Tăng thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% trở lên so huyện giao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%. Hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng