Họ, có người rất thành đạt và khá giả, cũng có khi là những người dân bình dị, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng họ đã làm được những điều mà không nhiều người làm được. Không ít người cho rằng họ đang đi “vác tù và hàng tổng”, ăn cơm nhà nhưng lo việc thiên hạ. Còn những “Mạnh Thường Quân” chân đất này thừa nhận, với họ quan trọng là làm được điều gì đó cho quê hương, cho mai sau... Suốt 5 năm xây dựng NTM tại tỉnh ta ngọn lửa nhiệt huyết của những "Mạnh Thường Quân" đó đã thắp lên và lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên một phong trào rộng khắp hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp thiết thực xây dựng quê hương.
Từ "Mạnh Thường Quân" chân đất
Nói chuyện xây dựng NTM ở xã Hải An (Hải Hậu), gần như ai cũng biết chuyện ông Nguyễn Văn Thạnh ở xóm 4, “đại gia chân đất” giúp xã xây dựng các công trình an sinh xã hội bằng 1.784m2 đất của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Đảm, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: “Mặc dù là xã có xuất phát điểm thấp, nhưng sau hơn 3 năm xây dựng NTM, Hải An đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí. Có được đột phá này là nhờ nhân dân trong xã đã hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình, trong đó phải kể đến những gương sáng như ông Nguyễn Văn Thạnh”. Năm 2010, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT), quy hoạch xây dựng vùng trang trại tổng hợp 200 mẫu, trong đó có nhiều ruộng đất của các hộ dân đang sản xuất, đặc biệt là hộ ông Thạnh có 100% ruộng nằm trong khu vực quy hoạch. Tuy vậy, khi được xã tuyên truyền, vận động, ông Thạnh đã không do dự hiến 1.784m2. Nhờ có ông Thạnh đi tiên phong “thắp lửa” mà chỉ sau một thời gian ngắn, xã đã vận động được nhiều hộ khác hiến thêm hàng chục nghìn m2 đất để tiến hành DĐĐT thành công, xây dựng hoàn thiện vùng trang trại tổng hợp rộng hơn 80ha để người dân đầu tư phát triển kinh tế, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gặp ông, mang câu chuyện được nghe kể với ông thì ông cười, thật thà bộc bạch: “Là nông dân, sống chết nhờ đất nên quý từng tấc, nhưng mình cũng phải vì mọi người, hơn nữa xây dựng NTM là để cho mình và tương lai cả con cháu mình sau này hưởng lợi nên hiến đất, hay hiến thêm tiền mà tôi có khả năng thì cũng sẵn lòng. Với tôi, mỗi tấc đất là một tấc lòng”. Không chỉ xung phong hiến đất, ông Thạnh còn cùng cán bộ địa phương đến từng nhà để vận động bà con hiến đất cho xã hoặc hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu tích tụ ruộng đất xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp làm giàu cho quê hương. Ông Thạnh nói: Từ khi có dự án, đường giao thông thuận tiện, sản phẩm bà con làm ra cũng dễ bán. Kinh tế đổi mới, nhà cao tầng mọc lên san sát mới thấy hết được giá trị của hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của chương trình xây dựng NTM. Không chỉ nổi danh nhờ hiến đất với diện tích “khủng”, ông Thạnh còn chứng minh cho mọi người thấy mình còn là một nông dân NTM. Với hơn 10 mẫu đất hiện tại áp dụng mô hình VAC, gia đình vỏn vẹn chỉ có 2 vợ chồng lao động chính nhưng hiệu quả kinh tế của gia đình luôn thuộc tốp đầu ở xã với tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Thạnh chia sẻ: “Làm nông thời này biết nắm bắt cơ hội, kỹ thuật thì đơn giản lắm. DĐĐT xong ruộng đất liền vùng liền khoảnh, chỉ việc áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. 10 mẫu chứ 100 mẫu đất, tôi cũng tự tin bắt đất phải đẻ ra tiền”. Hiện tại, toàn bộ 6 mẫu đất ruộng được ông “cơ giới hóa” toàn bộ các khâu từ cày lật đất đến thu hoạch theo đúng quy trình “cánh đồng mẫu lớn”, đồng thời ông chủ động áp dụng mô hình lúa cá theo dự án Rừng và đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trong vụ mùa 2016 vừa qua giúp gia đình đạt năng suất vượt trội từ 1,8-2 tạ/sào lúa Bắc thơm số 7. Hơn 6 sào ao được ông thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép mỗi năm xuất bán được vài tấn cá. Trên vườn, ông đầu tư hơn 10 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước tự động phục vụ các loại cây đặc sản như rau sạch, bưởi Diễn, cam sành, đinh lăng. Nói về ông, người Hải An luôn thể hiện sự khâm phục trước một lão nông yêu đất, gắn bó với đồng ruộng, sáng tạo dám nghĩ, dám làm.
Đổi thay ở xã Hải An (Hải Hậu). |
Đến tỷ phú xây dựng NTM
Nhắc đến xã Xuân Tiến, ai cũng biết là nơi có làng cơ khí nức tiếng với nhiều triệu phú, tỷ phú ở đất Xuân Trường. Đồng chí Mai Văn Tân, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ở xã này, tỷ phú có mươi, mười lăm tỷ đồng không hiếm, còn từ 3 tỷ đồng trở lên cũng vài chục người. Nhiều công trình của xã phát động khi triển khai xây dựng NTM được các doanh nghiệp địa phương nhiệt tình tài trợ đầu tư, xây dựng, góp phần đáng kể giúp xã Xuân Tiến hoàn thành xây dựng NTM”. Anh cán bộ xã nhiệt tình dẫn tôi đi giới thiệu về các công trình ghi dấu công lao của các Mạnh Thường Quân như Trạm y tế xã do ông Đinh Tân Việt tài trợ, khu Trường Mầm non xóm 9 do ông Lương Ngọc Bút ủng hộ, cầu vào UBND xã và lò đốt rác thải do ông Trần Kiều đầu tư hay đường từ cầu vào UBND xã đến nhà thờ xứ do ông Lương Văn Hiền tài trợ… Chúng tôi đến gặp cô giáo Phạm Thị Hoa Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xóm 9, cô cho biết: “Cách đây 4 năm, Trường Mầm non xóm 9 sau thời gian dài sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, vữa trên trần nhà bong tróc gây nguy hiểm cho các cháu. Khi đó, trường chủ động kêu gọi mọi người chung tay góp sức giúp trường cải tạo, nâng cấp tạo cơ sở vật chất tốt cho việc chăm sóc dạy dỗ các cháu. Lúc đó, ông Lương Ngọc Bút, Giám đốc Cty CP Cơ khí Ngọc Bút đã đứng ra đầu tư toàn bộ hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng mới toàn bộ nhà chính và khuôn viên trường mua sắm cơ sở vật chất thiết bị đảm bảo phục vụ tốt cho 125 cháu ở độ tuổi mầm non”. Gặp ông Bút, ông chỉ cười xòa và nói: “Là người con sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Tiến, đối với tôi, dù cá nhân gia đình có kiếm bao nhiêu tiền mà quê hương đường còn lầy lội, trẻ con chưa có lớp học tốt, người bệnh chưa có chỗ khám thì đồng tiền đó chả có ý nghĩa. Vì thế, khi xã xây dựng NTM, người dân hồ hởi hiến đất làm đường giao thông, xây dựng công trình, bản thân tôi cũng muốn đóng góp chút công lao giúp quê hương giàu đẹp. Chả có niềm vui nào hơn được nhìn quê hương đổi mới, đường làng ngõ xóm rộng rãi thuận tiện cho nhân dân đi lại, đời sống tinh thần được nâng cao”. Không chỉ Trường Mầm non xóm 9, nhiều công trình mới trên địa bàn xã Xuân Tiến có sự đóng góp của doanh nghiệp này như đường dong ngõ xóm 4, đường Tống Cố nối liền 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến và sắp tới là nhà văn hóa xóm 8. Ông Đinh Tân Việt, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, từ năm 2011 đã tự đầu tư hơn 700 triệu đồng để đổ bê tông hơn 300m đường dong ngõ xóm 7 khang trang sạch đẹp cho bà con đi lại. Tiếp đó, mỗi năm ông đều bàn bạc với gia đình trích lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh đóng góp để kiến thiết các công trình phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn xã. Ông tâm sự: “Hơn 10 năm liền, năm nào tôi cũng đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi chung cần thiết cho bà con nhân dân địa phương. Với bản thân tôi, chỉ cần đồng tiền của mình được sử dụng đúng mục đích và tâm nguyện của mình thì dù là tiền tỷ, tôi luôn luôn sẵn lòng ủng hộ hết mình”. Nói là làm, hàng chục con đường dong ngõ xóm, cầu nhỏ bắc qua kênh tại các xóm 4, xóm 7, xóm 8, xóm 9 và Trạm y tế xã với mức đầu tư 3 tỷ đồng đã được xây dựng giúp người dân quanh đây có thêm điều kiện để được chăm sóc sức khỏe tại chỗ thuận tiện khám, chữa bệnh.
Chia tay xã Xuân Tiến, chúng tôi tiếp tục về xã Hải Phương (Hải Hậu) để chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của địa phương kể từ khi Cty CP May Sông Hồng 7 về đứng chân. Trò chuyện với chị Phạm Thị Thêu ở xóm 10, xã Hải Phương lúc tan ca, chúng tôi được biết, cuộc sống gia đình chị trước đây gặp khá nhiều khó khăn, vất vả với chỉ vài sào ruộng, mảnh vườn màu nhỏ. Ngoài lúc mùa vụ chồng đi phụ hồ quanh năm, vợ làm việc vặt gia công tại xưởng gỗ của Cty CP Hợp Long gần nhà, thu nhập cũng chỉ vừa đủ lo cho 2 con nhỏ ăn học. Đầu năm 2012, Cty CP May Sông Hồng 7 chính thức hoạt động, tuyển dụng lao động… Chị Thêu cùng các chị em ở xã được nhận vào làm tại xưởng 11 với công việc gia công bán thành phẩm đồ may mặc. Chị phấn khởi cho biết: “Hiện tại, thu nhập của riêng tôi bình quân mỗi tháng đều đạt từ 6-8 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Không những vậy, Cty còn đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và có chế độ hỗ trợ hộ gia đình chính sách, khó khăn, có con nhỏ nên cuộc sống của gia đình chúng tôi đã cải thiện hơn rất nhiều”. Không chỉ chị Thêu, hơn 200 lao động ở xã Hải Phương và hàng nghìn công nhân ở các xã lân cận như Hải Quang, Hải Vân, Thị trấn Cồn… cũng có chung niềm phấn khởi vì những lợi ích khi Cty đầu tư về địa phương. Anh Nguyễn Công Thành, Giám đốc Cty CP May Sông Hồng 7 khẳng định: Thời gian qua, bám sát chủ trương “Đưa doanh nghiệp về nông thôn” của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng Cty đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất tại vùng nông thôn. Đến nay, Cty đã phát triển được 9 nhà máy sản xuất tại Thành phố Nam Định, các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động phổ thông khu vực nông thôn với thu nhập bình quân mỗi người từ 5-6 triệu đồng/tháng”. Mới đây, Tổng Cty May Sông Hồng cùng 11 doanh nghiệp khác đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen cho doanh nghiệp có đóng góp xuất sắc trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM trong suốt 5 năm qua.
Chặng đường xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ta còn hết sức chông gai với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm với quê hương của mỗi gia đình, công dân sẽ tạo sức mạnh nội lực to lớn để tới đích. Sẽ có thêm nhiều những Mạnh Thường Quân khác sẵn sàng chung tay góp sức cho quê hương với tâm nguyện tri ân, trả nghĩa nơi sinh ra và lớn lên với sự nuôi dưỡng và nâng bước của bao người đi trước để họ có được thành quả hôm nay./.
Bài và ảnh: Đức Toàn