Ý Yên nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

09:12, 27/12/2016
Những năm qua, huyện Ý Yên đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống, xây dựng NTM; các kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn xóm… đã được cải tạo, nâng cấp. Nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị tập trung, điểm, cụm công nghiệp và làng nghề được hình thành. Từ đó diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong nhân dân. Nhằm giải quyết thực trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ý Yên đã tập trung đẩy mạnh công tác hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.
 
Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn các ban, tổ hòa giải ở cơ sở; xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, hòa giải viên; tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn những khó khăn vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương; đề xuất với UBND huyện biện pháp kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Năm 2016, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn tổ chức 13 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở với các chuyên đề như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho thành viên các ban, tổ hòa giải trong huyện. Các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hòa giải, tiến hành kiện toàn tổ chức, củng cố đội ngũ những người làm công tác hòa giải theo Luật Hòa giải ở cơ sở 2013. Căn cứ vào tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, nhiều xã, thị trấn đã lập dự trù kinh phí đề nghị UBND hỗ trợ cho công tác hòa giải như: hỗ trợ cho việc kiện toàn tổ chức tổ hòa giải, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, mua tài liệu pháp luật, tài liệu nghiệp vụ hòa giải, sổ sách ghi chép… Đến nay, toàn huyện có 32 ban hòa giải các xã, thị trấn với 350 thành viên và 416 tổ hoà giải với 2.384 hoà giải viên. Bên cạnh đó, nhiều xã, thị trấn đã xây dựng được quy chế hoà giải ở cơ sở, quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác hoà giải trên tinh thần Luật Hòa giải ở cơ sở 2013; duy trì thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê đầy đủ và tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, hầu hết các thôn, xóm trong huyện đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hoá, từ đó góp phần phát huy dân chủ ở sơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm, tổ dân phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc; làm cơ sở vững chắc cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Làng quê xã Yên Xá.
Làng quê xã Yên Xá.
Điểm nổi bật trong thực hiện công tác hòa giải ở Ý Yên thời gian qua là đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi từ huyện đến cơ sở trong công tác hòa giải. Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong huyện đã lựa chọn và cử thành viên tham gia vào các tổ hòa giải, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; gắn hoạt động hòa giải với việc xây dựng và thực hiện phong trào xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Cụ thể, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp Hội trong huyện lấy hoạt động hoà giải làm nhiệm vụ chủ yếu để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cấp Hội đã phát huy thế mạnh của tổ chức hội là gần gũi, sâu sát với nông dân để vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác, chi tiết của vụ việc khiếu kiện và tâm lý của đối tượng để kiên trì vận động, thuyết phục, vận dụng nhiều hình thức hòa giải linh hoạt, phân tích có lý, có tình, dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc. Bằng nhiều hình thức hòa giải phong phú như thông qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ, hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể đã hòa giải thành phần lớn vụ việc phát sinh tại địa bàn dân cư. Hoặc, để phát huy vai trò người phụ nữ trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng Tư pháp huyện hướng dẫn xây dựng, nhân rộng mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật” đến các xã, thị trấn và xây dựng tủ sách pháp luật nhằm giúp phụ nữ có điều kiện tiếp cận kiến thức về mọi mặt. Tập huấn lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ hội về các kỹ năng nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách phản biện xã hội, tư vấn pháp luật về giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền của hội. Tích cực đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình hội viên để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ các tệ nạn ma túy, cờ bạc, bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng… Gần đây nhất, tại tổ dân phố số 10, Thị trấn Lâm, xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Nguyễn Văn B và bà Vũ Thị K. Từ những khúc mắc ban đầu do gia đình bà K và ông B cùng sử dụng chung một ngõ đi từ lâu nhưng trong sổ đỏ trước đây không ghi ông B được sử dụng ngõ đi nên bà K cho rằng ông B không có quyền sử dụng ngõ. Điều qua tiếng lại, đã có lúc tưởng chừng xô xát xảy ra giữa hai bên gia đình. Trước tình hình đó, Chi Hội Phụ nữ khu phố 10 đã tìm hiểu tình hình thực tế mâu thuẫn giữa hai bên gia đình và chọn phương án khuyên nhủ, vận động bà K nhìn nhận lại vấn đề trên cơ sở pháp lý và tình làng nghĩa xóm, đồng thời đề nghị cán bộ địa chính thị trấn có phương án xử lý hiện trạng. Do đó mâu thuẫn giữa hai gia đình đã được hóa giải, đảm bảo tình làng, nghĩa xóm và trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Đồng chí Phạm Kim Thục, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Với phương châm bám sát cơ sở, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ; đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tham gia giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, công an, các đoàn thể hòa giải thành công trên 200 vụ, việc mâu thuẫn tại địa bàn dân cư, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. 
 
Với việc nâng cao chất lượng hoạt động, công tác hòa giải trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình hằng năm của huyện đạt trên 85%. Các vụ hòa giải thành công đã “hóa giải” được những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật phát sinh liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân, gia đình, đất đai, hành chính, đồng thời hạn chế được tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Thời gian tới huyện Ý Yên tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp của các đoàn thể nhân dân trong công tác hòa giải. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên, bảo đảm cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải./. 
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com