Tệ nạn ma túy và tệ nạn mại dâm đang trở thành hiểm họa, gây tác hại không chỉ trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài đến từng người, từng gia đình và xã hội. Với mục đích lấy phòng ngừa là chính, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2005/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTT-UBTƯMTTQVN “Quy định và hướng dẫn nội dung hoạt động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành “Chương trình hành động xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội”; các địa phương đã triển khai thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy. Hằng năm, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phòng chống mại dâm; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các địa phương thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Các ngành, đoàn thể, các địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý địa bàn, xử lý vi phạm, giáo dục chữa trị, dạy nghề, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người mại dâm hoặc lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng nhóm đối tượng, như: tuyên truyền các nội dung tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu phố văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn”; tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy; phát động hưởng ứng “Năm gia đình Việt Nam”. Tuyên truyền miệng, tờ rơi, áp phích, bản tin, sổ tay, giáo trình; tuyên dương khen thưởng gia đình văn hoá tiêu biểu. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 15 nghìn hội nghị truyền thông trực tiếp cho hơn 800 nghìn người ở 3.706 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 229 xã, phường, thị trấn; tổ chức 2.020 buổi tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư; tổ chức 5 hội nghị tọa đàm tại 3 địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm với sự tham gia của trên 1.000 người. Tập huấn kỹ năng truyền thông, giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội cho trên 5.000 lượt cán bộ tham gia công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội ở cơ sở. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có trên 68 CLB tiền hôn nhân, 35 CLB gia đình trẻ, 5 CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên, thu hút hơn 10 nghìn hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên và 5 đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền về phòng chống tệ nạn thu hút trên 15 nghìn lượt đoàn viên tham gia… Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội và thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện và tố giác hành vi vi phạm. Đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tại các xã, phường, thị trấn, công tác vận động quần chúng tham gia phong trào cũng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện xây dựng gia đình văn hoá, khu phố văn hóa, xây dựng môi trường không có tệ nạn xã hội. Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Công an tỉnh rà soát trên 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn tỉnh; tập trung đấu tranh triệt phá ổ nhóm tội phạm mại dâm tại 4 địa bàn trọng điểm là: Thành phố Nam Định và các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu Ý Yên; phối hợp với các địa phương tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện trên địa bàn ký cam kết phòng chống tệ nạn xã hội. Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 5.107 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện 943 cơ sở vi phạm, đình chỉ 76 cơ sở, cảnh cáo 404 cơ sở, phạt tiền 534 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 719 triệu đồng; chuyển cơ quan chức năng điều tra truy tố 5 vụ. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường đấu tranh, điều tra, xử lý các hoạt động mại dâm. Kết quả, đã bắt và xử lý 190 vụ, trong đó xử lý hành chính 19 vụ; truy tố, xét xử 171 vụ, bắt giữ 862 đối tượng gồm 215 chủ chứa, môi giới và 647 đối tượng mua, bán dâm. Trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 10.633 vụ, 12.953 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; phá 313 chuyên án, bắt 401 đối tượng, triệt phá 1.513 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, thu giữ 155,9 bánh, hơn 3.000 liều, tép hê-rô-in, 42kg ma túy đá, gần 17 nghìn viên ma túy tổng hợp và các hiện vật khác; lập hồ sơ đề nghị truy tố 4.767 vụ, 5.212 bị can. Trong công tác cai nghiện, hỗ trợ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức cho 8.122 lượt người cai nghiện và điều trị nghiện. Các địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động chữa trị, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng ma tuý, mại dâm, tạo điều kiện để họ có thể tái hoà nhập vào đời sống cộng đồng. Tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình nghèo, gặp khó khăn, gia đình có đối tượng sa vào tệ nạn xã hội. Cùng với đó, các địa phương đã tổ chức điều tra thu thập các thông tin về việc làm, hiện trạng, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, lập danh sách để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp với thực trạng của từng loại đối tượng. Qua 10 năm triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn xã hội, tỉnh ta có 2.136 lượt xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không tệ nạn ma túy, mại dâm. Số xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm về ma túy giảm từ 34 xã (năm 2006) xuống còn 12 xã; địa bàn trọng điểm về mại dâm giảm từ 7 xã (năm 2006) xuống còn 2 xã. Hiện toàn tỉnh có 217 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm, 18 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; 18 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm và ma túy.
Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn xã hội đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo chiều sâu, đi vào từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng chống ma túy, mại dâm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội để ngăn chặn, kiềm chế tệ nạn phát sinh mới. Các lực lượng chức năng tăng cường mở các đợt tấn công bài trừ tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với chương trình xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động sức mạnh cộng đồng tham gia phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn xã hội./.
Minh Tân