Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng phối hợp với Nhà máy may Nghĩa Thịnh dạy nghề và tạo việc làm cho 150 lao động nông thôn. |
Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động, ngay từ đầu năm, Trung tâm căn cứ kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh, của huyện giao để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề. Hằng năm, Trung tâm phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nâng cao nhận thức của người lao động về sự cần thiết của việc học nghề đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Trung tâm phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội CCB, UBND các xã, thị trấn… khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, cơ cấu nghề cần học, phân loại đối tượng học nghề theo độ tuổi, trình độ nhận thức, đồng thời tìm hiểu kỹ thị trường đầu ra để làm căn cứ mở lớp dạy nghề phù hợp với từng địa phương. Hiện nay, Trung tâm có 7 cán bộ, giáo viên, đều được đào tạo bài bản, trong đó 1 người trình độ thạc sĩ, 2 người trình độ đại học, 2 người trình độ cao đẳng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tạo điều kiện thuận lợi đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các khóa đào tạo, từng bước chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Những năm qua, Trung tâm đã được đầu tư cơ sở vật chất khá đồng bộ với các lớp học, trang thiết bị dạy học, thực nghiệm, phân xưởng thực hành, khu lán trại nuôi trồng thử nghiệm cây trồng… đáp ứng yêu cầu dạy và học nghề. Các chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học và đảm bảo theo đúng chương trình khung của Bộ LĐ-TB và XH đã đề ra với từng ngành nghề; trong đó chú trọng việc thực hành, rèn luyện tay nghề cho học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm mời giáo viên thỉnh giảng là cán bộ Phòng NN và PTNT huyện, các nghệ nhân sinh vật cảnh, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh về giảng dạy, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT, trao đổi kinh nghiệm cho học viên. Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn, các doanh nghiệp thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngay tại địa phương để người lao động vừa học nghề, vừa tranh thủ làm việc gia đình. Ngành nghề được lựa chọn bảo đảm các yếu tố như sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, có thể tìm được việc làm hoặc ứng dụng trong sản xuất như: may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, trồng nấm... Hằng năm, Trung tâm tổ chức đào tạo nghề cho 350-450 lao động, với các nghề: móc sợi, đan cói, bẹ chuối, bèo tây, may công nghiệp, trồng cây cảnh, trồng nấm, chăn nuôi… Năm 2016, Trung tâm đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 420 lao động, gồm 2 lớp may công nghiệp (70 học viên), 2 lớp kỹ thuật chăn nuôi (70 học viên), 3 lớp kỹ thuật trồng cây cảnh (105 học viên), 1 lớp trồng nấm (35 học viên). Để hỗ trợ người lao động sau khi học nghề, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, giới thiệu người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi học nghề may đã vào làm tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công tại gia đình, có thu nhập ổn định. Những người học nghề nông được bổ sung những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tích cực áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất của gia đình đem lại năng suất, hiệu quả cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương. Theo kết quả khảo sát của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học nghề đạt 85% đến 90% và làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Với những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc hướng nghiệp, dạy nghề cho người lao động, là nguồn cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cho các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động về tầm quan trọng của việc học nghề trong việc tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động học nghề, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy nghề cho đội ngũ giáo viên, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM của huyện./.
Bài và ảnh:
Minh Tân