(Tiếp theo và hết)
Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển được Luật quy định về nguyên tắc, nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới. Đặc biệt, Luật quy định các công cụ, biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo) và đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp: Vùng rủi ro ô nhiễm thấp; Vùng rủi ro ô nhiễm trung bình; Vùng rủi ro ô nhiễm cao; Vùng rủi ro ô nhiễm rất cao…
Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là sự cố môi trường. Luật đã quy định “Việc phòng ngừa, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan”. Luật này chỉ quy định chi tiết một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển như: phân cấp ứng phó sự cố; xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động; tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố; trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển… và giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.
Nhận chìm ở biển là một trong những chế định mới được quy định cụ thể trong Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các điều ước quốc tế về vấn đề này. Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này.
Để bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường biển, Luật quy định khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải tuân thủ quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy định cụ thể về điều kiện vật, chất được nhận chìm ở biển và giao Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; quy định về kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển.
Về thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển: Luật đã quy định phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển được cấp phép nhận chìm ở khu vực biển ven bờ; các khu vực khác giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Tổ chức, cá nhân có vật, chất thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được xem xét, thẩm định, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Luật không quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển để tránh phát sinh các thủ tục hành chính, hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm điều tra, thu thập dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương; cung cấp dữ liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.
Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Luật quy định về các nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo với các nước, các tổ chức nước ngoài và quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Luật cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Luật quy định kể từ thời điểm Luật này được công bố (ngày 8-7-2015), giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này… Đồng thời, Luật quy định trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt./.
Chi cục Biển tỉnh Nam Định