Nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo

09:12, 20/12/2016
Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 25-6-2015 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. 
 
Phạm vi điều chỉnh của Luật này là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Luật quy định nhiều nội dung mới quan trọng như nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó ghi nhận các nguyên tắc, chế định rất mới như: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quyền tiếp cận của người dân với biển, nghiêm cấm các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn.
 
Về chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Luật quy định cụ thể về nguyên tắc, căn cứ lập chiến lược. Quy định Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm. Quy định rõ về các nội dung của chiến lược và quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược.
 
Luật quy định yêu cầu các Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản loại tài nguyên cụ thể được điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành…
 
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các tổ chức, cá nhân trong nước đã được quy định cụ thể trong pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật có liên quan. Luật tập trung quy định về Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm huy động nguồn lực quốc gia và sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề liên ngành, lĩnh vực, liên vùng, quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
 
Riêng việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam chưa được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ nên nội dung này được quy định cụ thể trong Luật. Luật đã quy định chi tiết, cụ thể, chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, phù hợp với Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển.
 
Luật đã quy định rõ yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quy định về chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập sát với tình hình thực tế tại địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển. Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển.
 
Đặc biệt, Luật quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương và nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ.
 
Luật yêu cầu hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. 
 
Luật quy định cụ thể hồ sơ tài nguyên hải đảo gồm: Phiếu trích yếu thông tin gồm tên hoặc số hiệu hải đảo, loại hải đảo, vị trí, tọa độ, diện tích, quá trình khai thác, sử dụng hải đảo; Bản đồ thể hiện rõ vị trí, tọa độ, ranh giới hải đảo; Kết quả điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường hải đảo; Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo và các thông tin khác có liên quan.
 
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trong phạm vi địa phương. 
 
Hải đảo được phân loại để bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng tài nguyên. Theo đó, Luật quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm đối với quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn./.
 
(còn nữa)
Chi cục Biển tỉnh Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com