Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai

09:12, 06/12/2016
Khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai ngày càng phổ biến, nhiều vụ khiếu nại kéo dài, có nhiều người tham gia. Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như yêu cầu bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở. Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai. Theo thống kê của Sở TN và MT, từ năm 2012 đến nay, sở đã tiếp nhận gần 600 đơn khiếu nại, kiến nghị với 453 vụ việc, gồm: 38 đơn đòi lại đất (23 vụ); 65 đơn liên quan đến giải phóng mặt bằng (45 vụ); 138 đơn liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (120 vụ); 38 đơn có nội dung tranh chấp đất đai (30 vụ); 6 đơn về dồn điền đổi thửa (6 vụ); 259 đơn có nội dung khác (198 vụ). Ngoài ra còn có 98 đơn tố cáo với 78 vụ liên quan đến đất đai. Trong số đó, có 14 đơn (14 vụ) thuộc thẩm quyền giải quyết của sở; chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 350 đơn (239 vụ); lưu đơn trùng lặp hoặc đơn đã gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 324 đơn (281 vụ). Có không ít các vụ việc phức tạp, khó giải quyết dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, thậm chí tạo thành điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của Thanh tra Nhà nước tỉnh, đến tháng 4-2016, toàn tỉnh còn tồn đọng 116 vụ khiếu nại, tố cáo; trong đó, 93% số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; các vụ việc đều liên quan đến thẩm quyền xử lý cấp huyện, xã. 
 
Theo Sở TN và MT, nguyên nhân phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai là do công tác quản lý và giải quyết tồn tại về lĩnh vực đất đai ở một số chính quyền cơ sở còn yếu kém, làm cho người dân bức xúc, dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Chính sách pháp luật đất đai không ổn định, còn bất cập, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai của một số đơn vị còn sai sót, chưa công khai minh bạch. Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành quyết định đã giải quyết. Theo đồng chí Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh: nguyên nhân dẫn đến tình trạng các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn tồn đọng, khó xử lý là do các vụ việc có nội dung phức tạp, diễn biến nhiều năm; có trường hợp chính người khiếu nại, tố cáo cũng chưa đầy đủ tài liệu chứng cứ để tự chứng minh bảo vệ quyền lợi của mình. Hồ sơ địa chính đất đai có liên quan đã qua nhiều thời kỳ, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa cập nhật biến động đất đai qua các thời kỳ. Diễn biến sử dụng đất đều đã qua nhiều chủ nhưng hồ sơ tài liệu chứng minh không đầy đủ. Bên cạnh đó, những người liên quan đến các vụ việc này thay đổi chỗ ở, đi làm ăn xa nên quá trình xác minh gặp nhiều khó khăn. Chính sách đất đai qua các thời kỳ đã thay đổi nhiều, việc giải quyết các vụ việc tồn đọng này không thể chỉ áp dụng Luật Đất đai hiện hành mà phải căn cứ nhiều văn bản trong khi năng lực của cán bộ tham gia xác minh giải quyết vụ việc của cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, kém hiệu quả nên cán bộ cấp huyện, xã lúng túng trong giải quyết. Một số nơi, do khó nên ngại giải quyết, né tránh, đùn đẩy; cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại này khiến vụ việc càng kéo dài và thêm phức tạp.
Cán bộ xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) rà soát công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch.
Cán bộ xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) rà soát công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch.
Trước thực trạng này, ngày 21-4-2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 132 giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát, xác định rõ nguyên nhân tồn đọng của từng vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; từ đó tìm biện pháp giải quyết. Theo đó, Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, xác định và thống nhất biện pháp giải quyết từng vụ việc; đến nay, đã cơ bản rà soát gần hết số vụ việc tồn đọng. Bên cạnh đó, đã tập trung hoàn thiện hồ sơ, ra văn bản giải quyết một số vụ việc; trong đó có nhiều vụ việc giải quyết được người dân đồng thuận, không có ý kiến phản đối. Thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai theo 3 hướng: Các vụ việc xác minh chưa đầy đủ sẽ tập trung xác minh, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đối thoại với người dân ra văn bản giải quyết. Các vụ việc đã ra văn bản giải quyết và các văn bản đó đều bảo đảm đúng quy định pháp luật, có lý có tình thì sẽ tổ chức đối thoại để người dân hiểu, chấp thuận. Các vụ việc qua rà soát nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì hướng dẫn để người dân khởi kiện tại tòa án nhân dân. Về lâu dài, để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tuân thủ đúng pháp lý, đúng và đầy đủ nội dung chính sách; công khai đối thoại trực tiếp với người khiếu nại; tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị về phương án giải quyết và kiên quyết cưỡng chế thực hiện phương án để đảm bảo kỷ cương pháp luật. Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là chủ tịch  UBND các cấp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế đối thoại bí thư cấp ủy với nhân dân; tăng cường chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, định kỳ tổ chức đối thoại với nhân dân ở cơ sở để thúc đẩy trách nhiệm giải trình, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm giải quyết công việc. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chi bộ, trưởng thôn khu dân cư nơi xảy ra vụ việc theo hướng bí thư chi bộ, trưởng thôn có trách nhiệm tìm hiểu sự việc, báo cáo, kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải nghiên cứu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của chi bộ nơi xảy ra vụ việc để giải quyết, trường hợp xét thấy kiến nghị không phù hợp thì cần có sự giải thích thỏa đáng cho chi bộ để đảm bảo nhận thức, thống nhất tư tưởng thông suốt lãnh đạo nhân dân nơi xảy ra vụ việc ủng hộ quyết định giải quyết của cấp trên. Quan tâm lựa chọn cán bộ và củng cố cơ quan thanh tra, TN và MT các cấp ngang tầm nhiệm vụ được giao, nhất là cấp huyện cả về số lượng và chất lượng cán bộ. Quan tâm kiện toàn tổ chức, cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn; phải chọn người am hiểu pháp luật, có phong cách dân chủ, thân thiện với người dân. Tập trung tuyên truyền pháp luật đất đai, xây dựng và môi trường; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho nhân dân và cán bộ xã, phường, thị trấn. Cần mở những lớp bồi dưỡng chuyên đề cho chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 về trách nhiệm quản lý đất đai, xây dựng, môi trường và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; về giá đất; quy định về giải quyết tranh chấp đất đai; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai ở 3 cấp; chú trọng kiểm soát việc thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai cho công dân, doanh nghiệp; đội ngũ làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ địa chính ở các cấp, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đẩy mạnh hơn nữa việc công khai đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp biết để giám sát và thực hiện./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com