Nam Trực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số

08:12, 01/12/2016
Huyện Nam Trực có trên 21 vạn dân trong đó có trên 3,6 vạn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án về Dân số - KHHGĐ góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
Đồng chí Vũ Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nam Trực cho biết: Hằng năm, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan hữu quan, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh” và “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” thông qua các hình thức: Nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt CLB, hội, nhóm, trên hệ thống phát thanh về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Qua đó, nhận thức của nhân dân trong huyện về sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Chị Trần Thanh Hằng, 29 tuổi, xã Nam Mỹ hiện đang mang thai đứa con thứ hai được 4 tháng tuổi cho biết: “Khi mang thai cháu đầu, do không biết thông tin nên tôi không làm xét nghiệm, chẩn đoán tình trạng sức khỏe thai nhi. Trước khi sinh cháu thứ 2, được cán bộ trạm y tế xã tư vấn, tôi hiểu rõ ý nghĩa của công sàng lọc trước sinh đối với phụ nữ mang thai là hết sức cần thiết để biết tình trạng sức khỏe của con và có biện pháp can thiệp phòng, tránh dị tật cho con trước sinh”. Bà Phạm Thị Huệ, 56 tuổi, xã Nam Hùng cùng con dâu mang thai cháu đầu lòng đến tư vấn sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực. Bà Huệ tâm sự: “Được tuyên truyền về xét nghiệm, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tôi đã chủ động khuyên bảo con dâu thực hiện các phương pháp để xác định tình trạng sức khỏe của con ngay từ khi còn trong bụng mẹ”. Đến nay, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã được triển khai tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nam Trực. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, chú trọng phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử xảy thai tự nhiên, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền. Hằng năm, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện mời Bệnh viện Phụ sản tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ kỹ thuật viên là cán bộ y tế thuộc khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế huyện, nữ hộ sinh của trạm y tế các xã, thị trấn nhằm cung cấp các kiến thức và rèn luyện các kỹ năng khi tiến hành sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đến nay đã có gần 500 trẻ sơ sinh trong huyện được lấy máu gót chân để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh; trong đó có 5 trẻ sơ sinh được chẩn đoán xác định mắc các bệnh lý rối loạn bẩm sinh di truyền. Như vậy, qua sàng lọc đã chẩn đoán và điều trị kịp thời cho các trẻ em bị thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh ngay trong giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng để loại bỏ giảm thiểu các di chứng của bệnh; nhờ đó trẻ phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THCS Nam Thái.
Tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THCS Nam Thái.
Công tác truyền thông và giáo dục về chính sách Dân số - KHHGĐ ở Nam Trực đã góp phần thay đổi quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ trong các tầng lớp nhân dân. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện gia đình ít con (một hoặc hai con), xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có diễn biến phức tạp, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai các hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các mô hình CLB như: “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”, CLB “Các bậc cha mẹ với sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên”; CLB “Mẹ và con gái”; CLB “Nhóm ông bố có con tuổi vị thành niên”. Hội Phụ nữ tại 20 xã, thị trấn trong huyện chỉ đạo các chi hội cơ sở xây dựng các CLB: “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ không sinh con thứ ba”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” sinh hoạt với các nội dung tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Công ước quyền trẻ em, thu hút được trên 15 nghìn lượt người tham gia. Thông qua các hoạt động của đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2013, tỷ lệ giới tính khi sinh là 120 cháu trai/100 cháu gái, đến năm 2015, giảm còn 116 cháu trai/100 gái. Trong đó, 90% xã, thị trấn triển khai đề án có tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật liên quan đến giới tính khi sinh; 80% cán bộ, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp và những người có uy tín thuộc địa bàn đề án nhận thức được hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 90% cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thuộc địa bàn đề án đưa vấn đề thực hiện cân bằng giới tính khi sinh vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có chính sách hỗ trợ thực hiện phù hợp. 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con một bề là gái được tuyên truyền tư vấn về giới và giới tính khi sinh. 
 
Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số. Trong đó xác định các mục tiêu cụ thể: Nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30%. Nâng cao sức khỏe bà mẹ; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 20%/năm. Giảm tốc độ chênh lệch giới tính khi sinh, không quá 115 cháu trai/100 cháu gái. Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ của nhân dân. Tổng tỷ suất sinh ở mức 2,0 và quy mô dân số phù hợp với sự phát triển của huyện. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ. Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác Dân số - KHHGĐ từ huyện đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, mạnh về chất lượng. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục Dân số - KHHGĐ với những nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác Dân số - KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình công tác Dân số - KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com