Nhằm tạo các điều kiện phù hợp để người khuyết tật (NKT) có thể khắc phục hạn chế, phát huy khả năng bản thân, hòa nhập cộng đồng, ngày 5-8-2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, trong đó có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn về xây dựng các công trình công cộng đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với NKT. Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN10:2014/BXD về “Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng” quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng gồm nhà chung cư và công trình công cộng.
Theo đó, công trình công cộng bao gồm: trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, TDTT; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt, các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng…). Mặc dù đã có quy chuẩn cụ thể nhưng trên thực tế việc quan tâm xây dựng các công trình công cộng đảm bảo thuận lợi cho NKT sử dụng của các chủ đầu tư là không đồng đều, các công trình chưa được chú ý là chợ, siêu thị, bưu điện, nhà ga, công trình có tỷ lệ tiếp cận ít nhất là ngân hàng. Bên cạnh đó, các hạng mục thiết kế trong một công trình cũng không hoàn thiện đầy đủ, chủ yếu chỉ hỗ trợ ban đầu cho nhóm NKT vận động sử dụng xe lăn lên xuống bằng vệt dốc, đường vào công trình, đường và hè phố… Một số công trình còn thi công, cải tạo khá tùy tiện, vòng cua thường quá ngắn, đường tiếp cận quá dốc hoặc quá dài, gây khó khăn cho NKT. Nhiều đường dẫn thậm chí vừa dốc ngược vừa không có tay vịn, khiến NKT không thể tự đi xe lăn lên. Hoặc có một số ít công trình tuy bổ sung đường tiếp cận nhưng các hạng mục khác như chỗ ngồi, cầu thang và nhà vệ sinh vẫn “nguyên trạng” khiến NKT không thể sử dụng. Đa phần các công trình đều chưa có biển báo, biển chỉ dẫn cho NKT. Theo đồng chí Vũ Thị Lan, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: “Bản thân tôi là một NKT vận động trên 40%. Mỗi khi đến các công trình công cộng như: UBND, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, ngân hàng, bưu điện, điểm vui chơi..., không chỉ tôi mà những NKT khác thường gặp nhiều trở ngại, đều phải nhờ sự trợ giúp của người khác bởi phần lớn thiết kế của các công trình chưa có trang thiết bị hoặc có nhưng chưa đủ các điều kiện để NKT có thể tự mình tiếp cận và sử dụng”. Với hơn 1.300 hội viên và hàng nghìn NKT khác đang sinh sống tại cộng đồng các khu dân cư; trong đó có rất nhiều người bị khuyết tật vận động; rõ ràng NKT đang gặp rào cản khá lớn về kiến trúc và nhận thức để hòa nhập và tham gia bình đẳng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, đồng chí Trương Văn Thường, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho NKT còn gặp một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công công trình còn chưa cao. Đa số chỉ tập trung thiết kế phục vụ cho phần đông người sử dụng chứ ít chú ý đến các hạng mục dành cho NKT. Các chủ đầu tư, đặc biệt đối với các công trình không sử dụng vốn Nhà nước thường lơ là yêu cầu này do giá thành công trình tăng lên nhiều (chi phí thiết kế, giá vật tư vật liệu, biển báo, biển chỉ dẫn). Nhận thức của các ngành, các cấp về trách nhiệm xã hội đối với NKT chưa đầy đủ dẫn đến chưa triệt để, nghiêm túc trong công tác kiểm soát các khâu thiết kế, xây dựng (thẩm định thiết kế cơ sở các công trình công cộng, hạ tầng giao thông đô thị, trụ sở cơ quan Nhà nước). Chính vì thế, tỷ lệ công trình phù hợp với NKT còn đạt thấp. Mục tiêu của đề án giai đoạn 2012-2015 là có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, TDTT; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT; ít nhất 50% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương chưa đạt kế hoạch đã đề ra. Mới đây, nhằm thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng công trình đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng, Hội NKT tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật NKT trong đó mời lãnh đạo các sở, ngành Xây dựng, GD và ĐT, GTVT, Hội LHPN tỉnh tham gia thảo luận về các giải pháp trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng. Kết hợp với đó, Hội NKT tỉnh cũng tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia đóng góp ý kiến cải tạo, xây dựng mới các công trình xây dựng cơ bản ở địa phương như trạm y tế, nhà văn hóa, vỉa hè, đường giao thông… đảm bảo cho NKT sử dụng.
Thời gian tới, để giúp người NKT tái hòa nhập cộng đồng, tiếp cận dễ dàng hơn đối với công trình xây dựng, giao thông, các sở, ngành cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, tăng cường hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để NKT tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng, giao thông; xây dựng một số mô hình thí điểm về tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng, giao thông để phổ biến nhân rộng; tập huấn cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và các đối tượng hành nghề trong hoạt động thiết kế xây dựng. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật thiết kế, xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận các công trình xây dựng tới các địa phương./.
Đức Toàn