Nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) đóng vai trò quan trọng trong học tập, nghiên cứu giảng dạy và quản lý, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục tính nhân văn, bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp và bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trước đây hoạt động nghiên cứu KHXH-NV của tỉnh ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống đặt ra. Nhận thức rõ những hạn chế đó, Sở KH và CN đã tập trung các giải pháp đổi mới hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV, góp phần tạo luận cứ khoa học xác đáng giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền vận dụng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tìm hiểu thu thập chứng cứ tại thực địa phục vụ nghiên cứu đề tài khoa học Địa chí văn hoá Vụ Bản. |
Trong 5 năm (2011-2016) có 17 đề tài, 2 dự án khoa học thuộc lĩnh vực KHXH-NV được nghiệm thu, với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh. Hầu hết các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH-NV tập trung nghiên cứu những vấn đề cụ thể, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần nâng cao trình độ dân trí. Các đề tài, dự án trong lĩnh vực KHXH-NV thực hiện trên địa bàn tỉnh ta tập trung vào nghiên cứu về lĩnh vực tư tưởng, chính trị; an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới; bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống; văn thư lưu trữ và cải cách hành chính, tư pháp và thương mại, dịch vụ. Trong đó, tiêu biểu là các đề tài khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài; vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng NTM; đấu tranh xóa bỏ các tụ điểm về ma túy do Công an tỉnh thực hiện; nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Đảng ủy và UBKT Đảng ủy cơ sở; nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh như Văn hóa Trần; Địa chí văn hóa Vụ Bản và Kiến trúc Thành phố Nam Định. Trong 5 lĩnh vực nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH-NV, chuyên ngành bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống được triển khai hiệu quả nhất, đã góp phần tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống của quê hương. Điểm mạnh của các công trình nghiên cứu này là đã tiếp cận được các phương pháp hiện đại như khu vực học, liên ngành, kết hợp hài hòa giữa công tác khảo cứu các nguồn tư liệu lưu trữ và khảo sát điền dã thực tế để so sánh đối chiếu, tái hiện và tìm ra những giá trị văn hóa chân thật. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, tranh ảnh và trực tiếp giảng dạy trong nhà trường, các buổi sinh hoạt ngoại khóa... Đặc biệt cũng trong lĩnh vực này, hầu hết các công trình nghiên cứu về bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đều được in thành sách và trở thành tài liệu nghiên cứu quan trọng cho các tổ chức, đơn vị và nhân dân trong tỉnh. Tiêu biểu như các công trình nghiên cứu về Văn hóa Trần, Địa chí văn hóa Vụ Bản; Kiến trúc Thành phố Nam Định... Để có được những thành công này, hằng năm, Sở KH và CN đã xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ khoa học và định hướng cho các đơn vị lựa chọn, triển khai đề tài nghiên cứu bám sát vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời khuyến khích các ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực KHXH-NV. Đồng thời phân công cán bộ chuyên môn có trình độ, am hiểu kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực KHXH-NV để hướng dẫn quy trình thực hiện đề tài nghiên cứu; tiếp nhận và giải quyết những vấn đề cần trao đổi giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị thử nghiệm cũng như ứng dụng, nhân rộng kết quả, sản phẩm của các đề tài vào thực tế. Bên cạnh đó, Sở KH và CN tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký và kinh phí thực hiện đề tài để các đơn vị, cá nhân yên tâm chuyên sâu vào nghiên cứu, đồng thời thực hiện quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu thông qua quá trình rà soát, đánh giá của các hội đồng khoa học. Do đó, các ngành, địa phương đã xác định được vị trí, vai trò quan trọng của việc nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHXH-NV nói riêng trong mục tiêu phát triển của ngành, địa phương và ngày càng tích cực tham gia.
Tuy nhiên nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực KHXH-NV vẫn còn nhiều hạn chế như: Sau nghiệm thu, các đề tài này không được tiếp tục triển khai, cập nhật số liệu nên các nội dung nghiên cứu không phát huy được hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn. Kinh phí triển khai kết quả đề tài nghiên cứu vào thực tế còn hạn chế khiến cho việc nhân rộng kết quả đề tài nghiên chưa được như mong muốn. Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh KHXH-NV, Sở KH và CN tiếp tục thực hiện cả hai nhiệm vụ của lĩnh vực này là đưa các nghiên cứu về KHXH-NV đi trước định hướng tư tưởng, hoạch định chính sách; đồng thời phản biện lại những tồn tại trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật vào cuộc sống để các ngành chức năng có biện pháp điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Sở KH và CN tiếp tục khuyến khích các đề tài mang tính điền dã, khảo sát từ thực tế các vùng miền trong tỉnh để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, có khả năng áp dụng thực tiễn cao. Tăng cường những đề tài tuyển chọn, đặc biệt là những đề tài có tầm quan trọng, khả năng tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời có cơ chế hữu hiệu gắn nghiên cứu KHXH với thực tiễn đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích liên kết giữa các ban, ngành trong tỉnh để giải quyết các nội dung nghiên cứu. Nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác trong lĩnh vực KHXH-NV bảo đảm có sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm truyền thống và tư duy hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương