Trực Ninh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2017

08:11, 07/11/2016
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xác định rõ cách làm, bước đi trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Trong đó, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, thôn, xóm và hộ gia đình trong xây dựng NTM. 
 
Đến hết tháng 10-2016, toàn huyện có 15/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cụ thể, trong 7 xã được lựa chọn triển khai giai đoạn 2010-2015 đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, có 2 xã Trực Hưng, Trực Nội đạt 17 tiêu chí, cơ bản đạt 2 tiêu chí; 3 xã Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh đạt 16 tiêu chí, cơ bản đạt 3 tiêu chí; 2 xã Trực Đại, Trực Hùng đạt 15 tiêu chí, cơ bản đạt 4 tiêu chí. Ở 14 xã không trong kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, mặc dù chưa được tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện xây dựng NTM nhưng đã chủ động huy động các nguồn lực tập trung triển khai thực hiện xây dựng NTM. Đến hết năm 2015 đã có 8 địa phương gồm: Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Chính, Cát Thành, Trực Đạo, Trực Mỹ, Trực Thắng, Trực Thái, Trực Phú được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. 6 xã còn lại gồm Phương Định, Liêm Hải, Trực Tuấn, Trực Khang, Trực Thuận, Trực Cường đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí. 
 
Đạt được kết quả trên, trong quá trình xây dựng NTM, Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết phải ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển kinh tế như: Thuỷ lợi, giao thông, các công trình phúc lợi xã hội, phải kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương với phương châm “Làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn, xóm, làm từ thôn, xóm lên xã. Xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã, các thôn, xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm. Các hộ dân lo cải tạo ao vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM”. Không nóng vội chạy theo thành tích, đồng thời không trông chờ ỷ lại trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban giám sát cộng đồng. Có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp tạo động lực cho các phong trào thi đua và huy động mọi nguồn lực xã hội xây dựng NTM. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương khen thưởng những cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình có nhiều đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống phát thanh của xã để khích lệ, động viên tạo phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Một góc Thị trấn Cổ Lễ.
Một góc Thị trấn Cổ Lễ.
Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, 5 năm qua các xã, thị trấn trong huyện đã tập trung sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Cụ thể: Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 534km đường giao thông nông thôn, trong đó có 93km đường trục xã, 225km đường thôn, xóm, 125km đường dong ngõ, 91km đường trục chính nội đồng; cải tạo, nâng cấp 25 cầu cống dân sinh. Đầu tư kiên cố được 20km kênh cấp III; cải tạo nâng cấp 699 công trình thủy lợi, nạo vét trên 1,24 triệu m 3 kênh mương cấp III. Xây mới và cải tạo, nâng cấp 74 trạm biến áp, 638km đường dây hạ thế. 100% số xã, thị trấn đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Thông qua dồn điền đổi thửa, nhân dân các địa phương đã hiến, góp được 317,43ha đất, đóng góp ngày công, kinh phí đắp ấp trúc được 166km đường giao thông nội đồng, đồng ruộng được chỉnh trang góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và tạo thêm nguồn lực để xây dựng NTM; đã quy gọn được quỹ đất công, giảm số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ xuống còn 1,82 thửa/hộ. Một số xã, thị trấn như Trực Thanh, Trực Phú, Trực Hùng, Phương Định, Cổ Lễ, Trung Đông… có từ 60-80% số hộ chỉ còn 1 thửa/hộ, hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM đến nay đạt 390,76 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách 155,5 tỷ đồng (39,8%), vốn tín dụng 22,2 tỷ đồng (5,7%), huy động từ các doanh nghiệp 36,2 tỷ đồng (9,3%), đóng góp của cộng đồng dân cư 133 tỷ đồng (34,1%), vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 2 tỷ đồng (0,5%), huy động từ các nguồn hợp pháp khác (con em xa quê hương đóng góp) 41,7 tỷ đồng (10,7%). Các hộ nông dân trong huyện đã góp 317,43ha đất nông nghiệp (tương đương 635 tỷ đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, hiến 4,04ha đất thổ cư, 2,01ha đất thổ canh, 83,6ha đất nông nghiệp (tương đương 263,8 tỷ đồng) để làm đường giao thông. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM ở Trực Ninh đặt ra nhiều thách thức. Nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng NTM của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa đầy đủ, toàn diện; việc triển khai chương trình xây dựng NTM ở một số xã còn chậm, chất lượng quy hoạch, kết quả thực hiện một số tiêu chí chưa cao, chưa thật sự bền vững. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít. Sản xuất công nghiệp, TTCN còn khó khăn, việc thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn còn hạn chế, ngành nghề phát triển chậm, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp còn cao. Năng lực của cán bộ lãnh đạo trực tiếp làm NTM ở một số địa phương còn hạn chế, chưa chủ động tạo nguồn lực xây dựng NTM, vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Một số xã triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động nông thôn. Nhiều hộ nông dân mặc dù không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn muốn giữ ruộng đã làm cản trở quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. 
 
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiền, TUV, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh cho biết: Để phấn đấu đạt mục tiêu huyện NTM vào năm 2017, ngày 6-7-2016, Huyện ủy Trực Ninh đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, năm 2016, phấn đấu 4 xã: Liêm Hải, Trực Tuấn, Trực Khang, Trực Cường đạt chuẩn NTM; năm 2017, phấn đấu 2 xã: Phương Định, Trực Thuận đạt chuẩn NTM; huyện Trực Ninh đủ điều kiện để xét công nhận huyện NTM. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; rà soát, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết quả xây dựng nông NTM tại địa phương trong thời gian qua, xác định các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả cao nhất. Đối với 6 xã chưa đạt chuẩn NTM, tiến hành rà soát, đánh giá, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Đối với các xã, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng từng tiêu chí; tập trung thực hiện các giải pháp và huy động nguồn lực sớm hoàn thiện 100% số tiêu chí theo mức chuẩn quốc gia. Duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường,… đưa vào sử dụng và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là nhà văn hóa thôn xóm, trạm y tế xã,… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức tốt các công trình cộng đồng dân cư tự quản, tự tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình. Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Tạo thuận lợi để người dân thực sự là chủ thể trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở những xã chưa đạt chuẩn. Khuyến khích các mô hình nhân dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Triển khai toàn diện và hiệu quả các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, góp phần tích tụ ruộng đất và chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Phát triển toàn diện về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Nâng cao hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn; phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Xây dựng xã hội nông thôn đoàn kết, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương, bình đẳng, giàu bản sắc./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com