Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hưng nâng cao chất lượng công tác xét xử

08:11, 08/11/2016
Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Nghĩa Hưng luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xét xử và giải quyết các vụ án, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã trên địa bàn huyện.
 
Hằng năm, TAND huyện Nghĩa Hưng luôn bám sát các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để xây dựng kế hoạch, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án, không để tồn đọng, kéo dài. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký; duy trì giao ban tuần đối với thẩm phán để rút kinh nghiệm công tác xét xử và tìm những giải pháp hiệu quả nhất trong quá trình thụ lý, thu thập tài liệu, giải quyết vụ án. Vì vậy công tác giải quyết, xét xử các vụ án ngày càng có những đổi mới tích cực, bảo đảm việc thụ lý, giải quyết và thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi. Quá trình giải quyết vụ án, các trình tự, thủ tục tố tụng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo tính dân chủ, công khai và nghiêm minh của pháp luật. Đối với những vụ án hình sự, vụ án được dư luận quan tâm, TAND huyện Nghĩa Hưng đã tích cực phối hợp với Công an huyện, Viện KSND huyện, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử. Việc tổ chức các phiên tòa đã được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, đúng trình tự thủ tục tố tụng. Việc phán quyết của hội đồng xét xử dựa trên các chứng cứ, tài liệu được cung cấp, đặc biệt là căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo đảm bản án được tuyên khách quan, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, TAND huyện Nghĩa Hưng đã tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động các vụ án hình sự tại các địa phương nơi xảy ra vụ án để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và ngăn ngừa tội phạm. Đặc biệt một số phiên tòa xét xử lưu động còn được truyền thanh trực tiếp trên Đài phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn trong huyện để cán bộ và nhân dân theo dõi. Khi đưa các vụ án đi xét xử lưu động, TAND Nghĩa Hưng đề nghị các thẩm phán cùng Hội đồng xét xử vận dụng các phương pháp nghiệp vụ để tuyên truyền, phân tích, giải thích pháp luật ngay tại phiên tòa. Nhờ bám sát phương châm gắn xét xử với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nên các phiên toà lưu động không chỉ có tác dụng giáo dục, răn đe người phạm tội mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật cho nhân dân. Trung bình mỗi năm, TAND huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức xét xử lưu động từ 15 đến 20 vụ, vượt từ 100% đến 150% chỉ tiêu được giao. 
Cán bộ, thẩm phán TAND huyện Nghĩa Hưng trao đổi nghiệp vụ công tác xét xử.
Cán bộ, thẩm phán TAND huyện Nghĩa Hưng trao đổi nghiệp vụ công tác xét xử.
Cùng với tập trung giải quyết các vụ án hình sự, TAND huyện Nghĩa Hưng cũng đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, nhất là trong thời gian gần đây các vụ án dân sự, án hôn nhân gia đình trên địa bàn huyện ngày một gia tăng và phức tạp, chiếm số lượng lớn trên tổng số án thụ lý. Theo đó, TAND Nghĩa Hưng đã tập trung nghiên cứu hồ sơ từ khâu điều tra, xác minh kỹ lưỡng, thận trọng và chú trọng biện pháp hòa giải. Với mỗi loại án, TAND Nghĩa Hưng có biện pháp hòa giải riêng. Việc thực hiện thủ tục hòa giải tại Tòa bảo đảm tối đa quyền tự định đoạt của đương sự; đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân, giúp Tòa án xác định phương hướng giải quyết các vụ án một cách thấu tình, đạt lý. Ví dụ như: các vụ án dân sự gồm tranh chấp về đất đai, vay tài sản, tài sản thừa kế, đòi nợ... thường phức tạp. Với tinh thần trách nhiệm, thẩm phán được phân công giải quyết hồ sơ tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc. Phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nơi đương sự đang sinh sống, làm việc để tìm hiểu nhân thân của đương sự, các tình tiết của vụ án cũng như ý kiến của những người có liên quan đến vụ án. Sau khi có đủ các thông tin và tài liệu, chứng cứ liên quan, TAND Nghĩa Hưng sẽ ra quyết định mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tại các buổi hòa giải, thẩm phán phân tích, hướng dẫn để các bên đương sự hiểu đúng pháp luật và tự nguyện thương lượng, thỏa thuận giải quyết vụ án trên tinh thần phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Với án hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật có tính chất đa dạng, phức tạp nên trong khi giải quyết, cán bộ luôn phải nắm chắc chính sách pháp luật dân sự, đồng thời giải thích pháp luật cho đương sự được thực hiện ngay từ giai đoạn xử lý đơn và xuyên suốt quá trình tố  tụng... Qua đó, góp phần hàn gắn, giữ gìn hạnh phúc nhiều gia đình. Trong năm 2016, tỷ lệ hòa giải và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND Nghĩa Hưng đạt kết quả cao, chiếm gần 40% số vụ án thụ lý, riêng án hôn nhân gia đình đạt 64,4%. 
 
Đồng chí  Trần Xuân Dũng, Chánh án TAND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Trong năm 2016, TAND huyện Nghĩa Hưng đã thụ lý giải quyết 253 vụ án, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, giải quyết án hình sự 79 vụ với 158 bị cáo; giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại 171 vụ; 3 vụ áp dụng xử lý hành chính. Công tác thụ lý, giải quyết các loại án đều đảm bảo đúng trình tự của pháp luật, không có án tồn đọng, án quá hạn theo luật định. Việc xét xử và các hình phạt mà TAND huyện Nghĩa Hưng áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không xử oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm. Thời gian tới, TAND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng và chất lượng giải quyết các loại án, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra tình trạng xét xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; không để án bị huỷ hoặc cải sửa nặng do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn của huyện để giải quyết kịp thời các vụ án theo quy định của pháp luật, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm. Tăng cường xét xử lưu động tại địa điểm nơi xảy ra tội phạm, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đồng thời tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
 
Bài và ảnh: Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com