Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên tại một số địa phương, đơn vị đã xuất hiện tư tưởng thỏa mãn với kết quả đạt được hoặc chưa quan tâm đúng mức đến công tác DS-KHHGĐ. Do đó việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các hoạt động liên quan đến chất lượng dân số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện tại, trong khi phần lớn các tỉnh trong cả nước đã đạt mức sinh thay thế và công tác DS-KHHGĐ đang hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số, thì tỉnh ta vẫn là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao. Số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt 2,32 con/bà mẹ và có chiều hướng tiếp tục tăng (tỷ lệ này của cả nước 2,1 con/bà mẹ); tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (115 trẻ trai/100 trẻ gái); tình trạng vi phạm chính sách dân số, nhất là việc sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng dân số.
Với dân số 1.983.631 người, tỉnh ta có quy mô dân số lớn (đứng thứ 8 trong toàn quốc) và đứng thứ 3 ở khu vực đồng bằng sông Hồng sau Hà Nội và Hải Phòng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng. Đối tượng sinh con thứ 3 không chỉ tập trung ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình sinh con một bề mà còn xuất hiện ở một bộ phận gia đình khá giả, trong đó có cả gia đình công chức, đảng viên. Tâm lý muốn “đông con nhiều cháu”, đặc biệt là tình trạng muốn có con trai nối dõi ở các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái vẫn còn nặng nề, chiếm 44,48% tổng số người sinh con thứ 3 trở lên. Các gia đình kinh tế khá giả muốn sinh thêm con dự phòng (tránh rủi ro, tai nạn) sinh con thứ 3 có xu hướng tăng, chiếm 32,86% tổng số người sinh con thứ 3 trở lên, tăng 3,79% so với năm 2014. Số người sinh con thứ 3 trở lên ở những người có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 4,60%, số người sinh con thứ 3 trở lên ở người có trình độ THCN và THPT chiếm 66,72%. Một thách thức đặt ra là tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta hiện nay cao hơn của toàn quốc 2,2 điểm phần trăm (Toàn quốc: 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, số liệu năm 2015). Những con số trên cho thấy tỉnh ta đang mất cân bằng giới tính khi sinh một cách nghiêm trọng và đây cũng là mối quan tâm, lo ngại của nhiều địa phương để điều chỉnh tỷ số giới tính khi sinh về mức hợp lý.
|
Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hải Hậu phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể một số địa phương còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác DS-KHHGĐ. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn tồn tại tư tưởng đông con, nhiều cháu, muốn có con trai nối dõi tông đường. Nhiều vấn đề mới về DS-SKSS/KHHGĐ nảy sinh như: Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn tiếp tục tăng, cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng, di dân diễn ra với cường độ mạnh, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, chất lượng dân số còn thấp. Mô hình tổ chức chưa thực sự ổn định ở tuyến cơ sở, đặc biệt là cán bộ làm dân số cấp xã chưa được tuyển thành viên chức nên họ chưa thật yên tâm công tác; đội ngũ cộng tác viên dân số hiện đang hưởng mức phụ cấp (100 nghìn đồng/tháng) còn thấp so với khối lượng công việc được giao.
Năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh ta tập trung thực hiện các mục tiêu duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm 0,1%o. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống còn 10,42%. Giảm tỷ suất tăng dân số tự nhiên xuống còn 9,09%o. Tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 78%. Tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh (số bà mẹ được sàng lọc so với số bà mẹ mang thai trong năm) lên 50%. Giảm điểm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 110 bé trai/100 bé gái. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ, các ngành chức năng cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ DS-KHHGĐ; tổ chức cung cấp các dịch vụ sàng lọc bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là các gói dịch vụ thiết yếu, đảm bảo quyền sinh sản và đáp ứng nguyện vọng của mọi đối tượng. Tăng cường năng lực mạng lưới cung cấp dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế vùng, địa phương và nhu cầu của các nhóm đối tượng, ưu tiên địa bàn nông thôn, vùng ven biển kiện toàn và phát triển mạng lưới chăm sóc sơ sinh. Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật các dịch vụ dân số và chăm sóc SKSS tại tất cả các tuyến, các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả y tế tư nhân. Xây dựng đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” theo hướng dẫn của Đề án 818 do Bộ Y tế ban hành, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Ưu tiên đầu tư cho các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm tạo bước đột phá trong các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dân số. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tư nhân và các tổ chức đầu tư, cung cấp các dịch vụ DS-SKSS với những hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của công tác DS-KHHGĐ. Từng bước và có lộ trình giảm phạm vi, đối tượng, mức độ bao cấp, tăng phần đóng góp, tự chi trả của khách hàng sử dụng dịch vụ; từng bước chuyển đổi việc cấp kinh phí hoạt động cho các cơ sở cung cấp dịch vụ sang cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng dịch vụ./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng