Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương, những năm qua, Thành phố Nam Định thường xuyên quan tâm chỉ đạo, từng bước đưa công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL đi vào nền nếp; hệ thống văn bản QPPL của Thành phố ngày càng hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn.
|
Cán bộ Phòng Tư pháp Thành phố Nam Định kiểm tra văn bản QPPL. |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL, ngay sau khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL; trong đó, đã tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến việc thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL cho cán bộ chủ chốt, công chức phụ trách công tác pháp chế của HĐND, Văn phòng UBND thành phố và thường trực HĐND, UBND, công chức tư pháp - hộ tịch, văn phòng - thống kê của các phường, xã. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, các phường, xã triển khai tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật Ban hành văn bản QPPL đến cán bộ và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện các văn bản QPPL tại địa phương. Từ tháng 7-2016 đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức 30 hội nghị; cấp phát trên 1.000 bộ tài liệu tuyên truyền những quy định của pháp luật về công tác văn bản tới cán bộ và nhân dân. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hằng năm, thành phố đã ban hành chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND và chương trình xây dựng quyết định của UBND để đảm bảo cho việc tuân thủ quy trình ban hành văn bản QPPL từ khâu xây dựng dự thảo đề cương; lấy ý kiến góp ý cho dự thảo, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp… trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành. Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố tổ chức rà soát các văn bản QPPL do HĐND, UBND thành phố ban hành với nhiều nội dung, chuyên đề khác nhau phục vụ công tác xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL như rà soát các chỉ thị QPPL của UBND đã ban hành để bãi bỏ, thay thế bằng các văn bản phù hợp; rà soát các quy định thủ tục hành chính đã được ban hành trong các văn bản QPPL của HĐND, UBND thành phố để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ. Qua rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp và hết hiệu lực bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao trách nhiệm cho Phòng Tư pháp và cán bộ tư pháp - hộ tịch các phường, xã là cơ quan đầu mối kiểm tra các văn bản QPPL theo quy định nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của công tác kiểm tra văn bản QPPL trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản theo lĩnh vực được phân công, xây dựng văn bản QPPL đúng trình tự, thủ tục luật định giúp công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được thực hiện nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản tại các phường, xã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của cải cách hành chính Nhà nước về công tác văn bản, hằng năm, Phòng Tư pháp thành phố duy trì việc kiểm tra định kỳ hằng quý và kiểm tra đột xuất về công tác xây dựng, ban hành văn bản tại các phường, xã. Nội dung kiểm tra bao gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, kiểm tra trực tiếp đối với một số văn bản QPPL do UBND các phường, xã ban hành có nội dung liên quan đến một số lĩnh vực có nhiều tác động đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương như quản lý đất đai, xây dựng. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và kiến nghị các địa phương khắc phục những sai sót về thẩm quyền, về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản. Đồng thời, thực hiện hướng dẫn tại chỗ cho công chức văn phòng, tư pháp - hộ tịch về quy trình soạn thảo, nghiệp vụ kiểm tra văn bản QPPL để tham mưu giúp chủ tịch UBND các địa phương tự kiểm tra văn bản QPPL do cấp mình ban hành. Trong năm 2016, Phòng Tư pháp thành phố đã chủ trì tổ chức 7 đợt kiểm tra tại 21 phường, xã; đã giúp UBND thành phố tự kiểm tra, rà soát 11.920 văn bản của UBND thành phố ban hành; kiểm tra 5.745 văn bản do HĐND, UBND các phường, xã ban hành; tham gia xây dựng, thẩm định 3 dự thảo hoạt động của UBND thành phố và 9 dự thảo quy ước tổ dân phố. Thông qua hoạt động kiểm tra văn bản đã góp phần giúp cho hoạt động ban hành văn bản QPPL trên địa bàn thành phố được đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của văn bản trong thực tiễn. Với việc tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra rà soát văn bản QPPL đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh những kết quả đạt được công tác ban hành văn bản của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn có văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày; chưa xác định rõ về thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND trong ban hành văn bản; nhận thức của các cơ quan, ngành tham mưu về công tác văn bản chưa sâu sát; một số kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật chậm được tiếp thu, xử lý. Bên cạnh đó một số cơ quan, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp trong việc tổ chức thẩm định văn bản QPPL. Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL, thời gian tới, Thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các nội dung của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong hoạt động xây dựng và kiểm tra văn bản. Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL; thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp chế trên địa bàn; đồng thời đảm bảo các điều kiện vật chất và kinh phí cho công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL theo quy định./.
Bài và ảnh:
Văn Trọng