Xung kích thực hiện phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, thời gian qua, BCH Đoàn xã Xuân Đài (Xuân Trường) đã khai thác tốt các thế mạnh, nguồn lực của địa phương, mạnh dạn tìm các hướng đi mới để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trong lứa tuổi thanh niên góp phần giảm nghèo, làm giàu bền vững, xây dựng quê hương.
Anh Vũ Văn Thắng, Bí thư Đoàn xã Xuân Đài cho biết: Xã hiện có trên 800 ĐVTN đang sinh hoạt tại 12 chi đoàn. Hiện ĐVTN trong xã chủ yếu tập trung phát triển kinh tế ở những ngành nghề có thế mạnh như: VAC, may mặc, cơ khí, mộc, xây dựng… Trong đó, 50% ĐVTN tập trung phát triển kinh tế VAC với những trang trại có quy mô lớn lên đến hàng nghìn m
2, tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 người. Hiện toàn xã có 20-25 hộ gia đình ĐVTN làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 70-120 triệu đồng/năm, một số hộ còn nâng lên mức thu nhập 150-250 triệu đồng/năm. Trong đó có 6 mô hình trang trại VAC, 10 xưởng cơ khí, 2 cơ sở may mặc, 3 xưởng mộc… do ĐVTN làm chủ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Để có được kết quả đó, bên cạnh việc tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho ĐVTN, tổ chức Đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở nhiều lớp tập huấn phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, Đoàn xã tổ chức được 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn, thu hút 150 ĐVTN tham gia. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, tạo động lực, khuyến khích thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực VAC.
|
Mạnh dạn đầu tư lò ấp trứng tự động, mô hình kinh tế của anh Vũ Đức Duy, xóm 4, xã Xuân Đài cho thu nhập 60-70 triệu đồng/năm. |
Cùng với đó, tổ chức Đoàn thanh niên xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện cho tổ chức Đoàn nhận ủy thác và quản lý các tổ tiết kiệm vay vốn. Nhờ đó, đến nay tổng dư nợ từ Ngân hàng CSXH đạt trên 2 tỷ đồng với 3 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn này đã có hàng trăm hộ gia đình thanh niên được vay vốn hỗ trợ mở rộng sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn vốn 120 do Trung ương Đoàn quản lý đã có 1 ĐVTN được hỗ trợ vay với số tiền 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại. Với sự hỗ trợ vốn, kiến thức KHKT của tổ chức Đoàn, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi. Điển hình như mô hình lò ấp trứng của anh Vũ Đức Duy, xóm 4 cho thu nhập 60-70 triệu đồng/năm. Anh Duy tốt nghiệp khoa Nông học (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội), từng có thời gian đi làm cho một Cty chuyên về cung cấp giống gia cầm tại Vĩnh Phúc và Hưng Yên trong thời gian khoảng 2 năm. Năm 2012, anh Duy quyết định về quê lập nghiệp. Khởi nghiệp với nghề ấp trứng gia cầm, anh Duy gom góp hết vốn liếng, cải tạo nhà xưởng, đầu tư hệ thống máy ấp trứng tự động. Anh đã mua 2 máy ấp trứng tự động với số tiền 90 triệu đồng, công suất ấp mỗi máy là 15 vạn trứng/tháng. Do được đào tạo bài bản về kiến thức nông nghiệp lại chịu khó mày mò, tìm hiểu thêm về lĩnh vực chăn nuôi nên mỗi lứa đều đạt tỷ lệ ra giống, nở ấp cao khoảng 95%, cung cấp các giống gia cầm với chất lượng tốt nhất phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con nông dân trong vùng. Đến xóm 8, xã Xuân Đài hỏi thăm cơ sở may mặc Đoàn Nguyên ai cũng biết bởi đây là một trong những cơ sở may gia công lớn nhất của xã. Cơ sở này do 2 vợ chồng anh chị Đoàn Nguyên, Nguyễn Thị Ánh làm chủ. Vốn là thợ may, chị Ánh nuôi ước mơ mở được xưởng may riêng đã lâu. Vì vậy, năm 2012, chị bàn với chồng mở cơ sở may. Khi bắt tay vào mở xưởng, vợ chồng anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu là vốn, sau là thị trường tiêu thụ. Theo ước tính ban đầu của anh Nguyên, để mở một xưởng may cần phải có khoảng 600-700 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, mua máy móc, thuê nhân công... Không nản lòng, vợ chồng anh Nguyên tìm cách xoay xở vốn từ nhiều nguồn, vay Ngân hàng CSXH, vay của gia đình hai bên, bạn bè, anh em. Xây được xưởng, mua được máy, xưởng may Đoàn Nguyên nhanh chóng ổn định sản xuất. Ban đầu, xưởng may nhận gia công các mặt hàng quần áo cho Cty CP May 10. Hiện tại, xưởng nhận gia công cho Cty TNHH Nhàn Yến (Hải Phòng). Hằng tháng, cơ sở nhận gia công từ 4-10 nghìn sản phẩm. Xưởng may gia công Đoàn Nguyên hiện tạo việc làm cho 25 lao động với mức lương từ 3-6 triệu đồng/người/tháng, trong đó người lao động chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên… Hay như mô hình trang trại rộng 6ha của Nguyễn Minh Dương, xóm 8, tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động địa phương với thu nhập từ 2,8 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhớ lại thời điểm năm 2011, sau thời gian “lang thang” khắp Hà Nội, Sài Gòn kiếm sống, Dương quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy mô hình chăn nuôi của gia đình không hiệu quả, Dương chuyển đối tượng chăn nuôi. Dương bàn với bố, nuôi lợn thịt không được thì nuôi lợn siêu nạc. Theo đó, cả gia đình Dương vay gần 700 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi 70 con lợn nái, 300 con lợn thịt và đào ao thả cá... Với diện tích mặt ao 8.800m
2 mỗi năm Dương thu hoạch gần 20 tấn cá các loại. Theo ước tính của Dương, năm nay trang trại có thể cho thu nhập gần 5 tỷ đồng. Trừ chi phí, Dương tính toán lãi khoảng 800 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có thể kể đến những triệu phú trẻ khác như Trịnh Thị Bình, xóm 3, mở cơ sở may tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập hằng năm từ 200-250 triệu đồng.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ thanh niên trong phong trào lập thân lập nghiệp làm giàu cho quê hương, thời gian tới, Đoàn xã Xuân Đài tập trung khai thác phát huy thế mạnh của địa phương giúp thanh niên phát triển kinh tế, nhất là các ngành nghề mà xã có thế mạnh như: VAC, may mặc…, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức cho thanh niên đi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu trong và ngoài huyện… Tăng cường vận động ĐVTN tham gia các lớp đào tạo nghề tại chỗ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hộ gia đình giúp thanh niên có thêm kiến thức, tiếp thu các cách làm hay, hiệu quả, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở địa phương./.
Bài và ảnh:
Hoa Xuân