Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên công đoàn, người lao động, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho người lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
|
Cty CP Nam Tiệp (TP Nam Định) luôn quan tâm tuyên truyền các chế độ chính sách cho người lao động. |
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều xây dựng, triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn trong tỉnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người lao động thông qua các hội nghị, hội thảo, các buổi nói chuyện chuyên đề…, qua đó đã góp phần vào việc ổn định tư tưởng cho người lao động yên tâm sản xuất. Đặc biệt, nhiều năm qua, LĐLĐ tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật. Được thành lập năm 2004, Văn phòng tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho CNVCLĐ, qua đó góp phần tuyên truyền các chế độ, chính sách pháp luật có liên quan đến người lao động, đặc biệt là đối với các đối tượng khó tiếp cận thuộc các doanh nghiệp. Hằng năm, Văn phòng đã phối hợp với công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp tổ chức tư vấn cho hàng nghìn công nhân, lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp. Các hình thức tư vấn ngày càng phong phú, đa dạng như: Tư vấn trực tiếp tại Văn phòng tư vấn pháp luật; trả lời bằng văn bản, qua điện thoại, email; trong đó tư vấn pháp luật lưu động được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT... Văn phòng tư vấn pháp luật còn phối hợp với các ban của LĐLĐ tỉnh như Ban Tuyên giáo, Ban Chính sách - Pháp luật để tổ chức các hoạt động tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động. Qua đó giúp người lao động nắm chắc các chính sách, pháp luật, tuân thủ tốt các nội quy lao động trong quá trình làm việc, cũng như biết tự bảo vệ bản thân khi chủ doanh nghiệp vi phạm các quy định liên quan đến chế độ, chính sách… của người lao động. Văn phòng tư vấn pháp luật còn tổ chức biên soạn các nội dung tuyên truyền chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; trả lời các ý kiến hỏi đáp của đoàn viên công đoàn, người lao động thông qua Trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh; tích cực nắm bắt việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chế độ lương, phụ cấp đặc thù; đồng thời phối hợp với các ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động tại các cơ sở. Việc thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động của các cấp công đoàn đã góp phần làm chuyển biến ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong công nhân lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trong điều kiện hoạt động đặc thù của doanh nghiệp là cường độ, nhịp độ lao động khẩn trương, ít có điều kiện tập hợp đông đủ người lao động tham gia các hoạt động chung, các cấp công đoàn cần linh hoạt, sáng tạo, vận dụng những cách làm mới như: sao chép những nội dung quan trọng của Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT… treo ở những nơi tập trung đông người; phát tờ rơi tuyên truyền đến từng tổ, nhóm người lao động trong giờ nghỉ trưa, nghỉ giữa ca; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về lao động nhân các sự kiện, lễ kỷ niệm; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của doanh nghiệp. Đối với Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và các tổ tư vấn của Công đoàn ngành, LĐLĐ các huyện, thành phố cần chủ động nắm tình hình việc thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc trong cán bộ, công chức, người lao động để tổ chức tư vấn kịp thời. Tiếp tục cử cán bộ tham gia tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan trong việc trả lời thư hỏi và hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành, khai thác thông tin trên nhiều kênh để tư vấn cho người lao động./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng