Quan tâm thực hiện chính sách đối với đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở

07:11, 03/11/2016
Toàn tỉnh hiện có 229 cán bộ chuyên trách công tác dân số (DS) và 3.707 cộng tác viên dân số. Với tinh thần và trách nhiệm, đội ngũ cộng tác viên dân số ở các địa phương trong tỉnh hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác DS-SKSS-KHHGĐ.
 
Tại huyện Xuân Trường, hiện có 20 cán bộ chuyên trách và 326 cộng tác viên dân số. Hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về DS-SKSS-KHHGĐ cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các xã, thị trấn; nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục về DS-SKSS, phòng ngừa HIV, bình đẳng giới, sức khỏe tình dục... trong cộng đồng. Trong đó, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn, xóm trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng và cung cấp các dịch vụ thích hợp đến từng hộ gia đình, nhất là những địa phương có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Đồng chí Mai Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Xuân Trường cho biết: Thực tế, đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở là những “cánh tay” nối dài của ngành dân số; có mặt ở tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố giúp chính quyền các cấp có những số liệu cập nhật về DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và phòng chống dịch bệnh. Họ là những người sinh sống tại địa phương có uy tín trong cộng đồng và có kiến thức và am hiểu về tập tục sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, việc tiếp cận tuyên truyền, vận động nhiều thuận lợi, mang lại hiệu quả cao. Tại 7 xã còn gặp nhiều khó khăn về công tác DS-KHHGĐ là: Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Tân, Xuân Hòa, Xuân Phong, Xuân Ninh và Thọ Nghiệp, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chỉ đạo các cộng tác viên dân số đẩy mạnh công tác truyền thông tại các thôn, xóm. Trong đó, đội ngũ cộng tác viên dân số trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền về các chính sách bình đẳng giới, ngăn ngừa lựa chọn giới tính thai nhi, bạo lực giới, CSSK bà mẹ trẻ em, trẻ sơ sinh, người cao tuổi; vai trò của nam giới trong CSSKSS và bình đẳng giới. Với việc quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, đến nay, huyện Xuân Trường đã giảm mạnh tốc độ chênh lệnh giới tính khi sinh, đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh không quá 111 cháu trai/100 cháu gái; tỷ lệ số người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trên 84%; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt trên 35%; tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS có dịch vụ thân thiện cho người chưa thành niên và thanh niên lên 47%... Huyện Hải Hậu có 35 cán bộ chuyên trách và 560 cộng tác viên, hoạt động tại 35 xã, thị trấn; bình quân 1 cộng tác viên phụ trách 150 hộ gia đình. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ từ huyện đến cơ sở, những năm qua Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Hải Hậu đã mở hàng chục lớp tập huấn về sổ ghi chép những biến động thông tin của hộ gia đình, bảng kiểm tránh thai, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh... cho 100% cán bộ chuyên trách và 2.395 lượt cộng tác viên dân số các xã, thị trấn. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ cộng tác viên dân số ở 510 thôn, xóm, tổ dân phố trong huyện chính là những người trực tiếp vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về dân số đồng thời ”kiêm” công tác thống kê tình trạng dân số trong từng thời điểm cụ thể giúp chính quyền các cấp hiểu rõ mức độ tăng dân số ở địa phương mình. Tiêu biểu tại 3 xã Hải Lộc, Hải Minh, Hải Hòa, triển khai Đề án “Duy trì và mở rộng mô hình kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân tỉnh Nam Định”, đội ngũ cộng tác viên đã tổ chức tiếp thị, tư­ vấn, cấp phát thuốc uống tránh thai, bao cao su tới tận tay đối tượng; cấp phát 14.630 tờ rơi, tuyên truyền về SKSS vị thành niên, thanh niên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình bạn, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình thu hút trên 3.000 lượt nam, nữ thanh niên tham dự. Hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân số từ huyện đến cơ sở. Quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con được đông đảo các cặp vợ chồng trẻ trong huyện chấp nhận; việc áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn duy trì trên 90%; tỷ số giới tính đã giảm còn 108 cháu trai/100 cháu gái. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm đã giảm từ 12,9 o/ oo (năm 2011) xuống còn 10,29 o/ oo(năm 2015).
 
Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ chuyên trách dân số ở tỉnh ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù Thông tư 05 của Bộ Y tế ban hành năm 2008, có quy định cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã là viên chức của trạm y tế xã, nhưng đến nay, có 229 cán bộ làm công tác dân số chưa được biên chế. Năm 2008, Nhà nước giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng của Uỷ ban này sang các cơ quan liên quan thực hiện. Theo đó, ở cấp tỉnh công tác dân số được chuyển sang ngành Y tế và thành lập Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế, là đơn vị thường trực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia. Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành phố thuộc chi cục, là đơn vị thường trực triển khai Chương trình mục tiêu. Biên chế của 10 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố giao từ năm 2011-2015 là 60 biên chế nhưng đến nay có 47 biên chế, trong đó trình độ đại học và sau đại học chiếm 58%, viên chức nữ chiếm: 58%. Cấp xã, đến nay đã bố trí mỗi xã một cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác DS-KHHGĐ, hưởng phụ cấp từ 0,7%-0,8% mức lương tối thiểu. Ở thôn xóm có 7.707 cộng tác viên, tính đến 30-10-2015 đã có 2.062/2.229 cộng tác viên đã thay đổi theo Nghị quyết số 14/2012/NQ-HĐND ngày 7-12-2012 của HĐND tỉnh là chuyển cho chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm cộng tác viên dân số; số chỉ làm cộng tác viên là 304, y tế thôn kiêm là 788, số khác là 386. Phụ cấp cộng tác viên 100 nghìn đồng/người/tháng từ nguồn ngân sách Trung ương. 
 
Tại các địa phương trong tỉnh, đội ngũ cán bộ làm dân số cấp xã chưa được tuyển thành viên chức nên họ chưa thật yên tâm công tác; đội ngũ cộng tác viên dân số hiện đang hưởng mức phụ cấp (100 nghìn đồng/1 tháng) còn thấp so với khối lượng công việc được giao. Đây là một trong nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở một số nơi có phần giảm sút. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dân số ở 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm, có chế độ bồi dưỡng cả về chuyên môn và nghiệp vụ lẫn đường lối chủ trương của Đảng về công tác DS-KHHGĐ; góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số./.
 
Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com