Phong trào xây dựng làng văn hóa ở Xuân Thượng

06:11, 05/11/2016
Những năm qua, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM, Đảng ủy, UBND xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Nông thôn mới xã Xuân Thượng.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Nông thôn mới xã Xuân Thượng. 
Trong xây dựng làng văn hóa, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các xóm tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá làng quê, xây dựng quy ước nếp sống văn hoá trên cơ sở kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống trong các hương ước cổ, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay. Đến nay, cả 9 xóm trong xã đều đã xây dựng hương ước, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy ước nếp sống văn hoá. Các hương ước quy định cụ thể về tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội; thôn xóm, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội…, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu trong cuộc sống của người dân. Trong việc cưới, nhiều thủ tục rườm rà, lạc hậu được xóa bỏ, một số mô hình tổ chức cưới gọn nhẹ, tiết kiệm được nhân rộng. Các lễ tang được tổ chức trang trọng, việc quy hoạch nghĩa trang, thống nhất quy mô, việc xây cất mộ phần được chú trọng. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống ngày càng được quan tâm tổ chức. Tính đến hết tháng 6-2016, toàn xã có 7/9 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 91%. Thông qua phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, các phong trào thi đua của các đoàn thể như: Chi Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, chi Hội Nông dân với phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng”; chi Hội Người cao tuổi với cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… đều phát triển với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế đã có chuyển biến tích cực, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được đề cao trong gia đình và cộng đồng. Từng hộ dân trong các xóm đã tự chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, sân vườn khang trang, sạch sẽ; mỗi gia đình có đủ 3 công trình: nước sạch, nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; quy hoạch, cải tạo vườn, ao, chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, chủ động học thêm nghề mới, phát triển kinh tế hộ. Nhờ vậy, các hộ dân trong xã đã đa dạng hoá các hoạt động phát triển kinh tế, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế gia trại, trang trại, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; phát triển mạnh nghề khác như: dịch vụ, CN-TTCN, mộc, may, cơ khí, trồng hoa, cây cảnh… Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gia đình văn hoá là những điển hình làm kinh tế giỏi như các hộ: Nguyễn Văn Toán, Đỗ Trọng The, Đặng Thị Đào, Đỗ Văn Nhận... Tiêu biểu là trang trại nuôi lợn đạt chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Toán với 200 con lợn nái, 1.000 con lợn thịt; doanh thu bình quân 12 tỷ đồng/năm tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương 5-10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều mô hình phát triển sản xuất TTCN cũng đạt hiệu quả cao như xưởng may của gia đình anh Nguyễn Đức Trường, đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng; cơ sở mộc của các anh Vũ Đình Lực và anh Phạm Văn Tú giúp cho 40 lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Nhờ chuyển đổi, đa dạng hoá các hoạt động phát triển kinh tế, đến nay hầu hết các hộ trong xóm có cuộc sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2%; số hộ khá, giàu chiếm trên 70%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 90%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 70,5%. Kinh tế phát triển, nhân dân trong xã tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM. Các nguồn kinh phí huy động trong quá trình xây dựng NTM đều được công khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, từ đó việc huy động nhân dân chung tay xây dựng các công trình NTM kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thuận lợi. Là xã về đích trong việc thực hiện công cuộc xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, các thiết chế văn hóa của xã được đầu tư xây dựng đồng bộ từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đến nay, cả 9 xóm trong xã xây dựng NVH khang trang với diện tích từ trên 250m 2, kinh phí từ 200-300 triệu đồng/NVH do nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ và ngân sách xã, huyện hỗ trợ. Các NVH đều trang bị tủ sách cộng đồng với hàng chục đầu sách, tài liệu để nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao trình độ dân trí. Các sân chơi thể thao thôn, xóm đã được quy hoạch theo tiêu chí NTM, trong đó quy hoạch, xây dựng khu trung tâm TDTT xã có diện tích 5.000m 2, đáp ứng nhu cầu tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao của nhân dân. Hiện xã đã thành lập 3 CLB thể thao gồm các môn: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; ở cả 9 xóm đều thành lập đội văn nghệ. Các đội, CLB hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng, luyện tập, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng ở địa phương.
 
Những thành tựu đã và đang đạt được trong phong trào xây dựng “Làng văn hoá” ở Xuân Thượng là nhờ tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Thời gian tới, xã Xuân Thượng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa”; đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng nông thôn; quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân nhân, góp phần thay đổi diện mạo quê hương./. 
 
Bài và ảnh:  Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com