Phong trào "Giữ vở sạch - viết chữ đẹp" ở bậc tiểu học

07:11, 03/11/2016
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bên cạnh công tác chuyên môn, các trường tiểu học trong tỉnh luôn chú trọng đến việc tích hợp rèn chữ trong dạy các môn văn hóa, đặc biệt là môn Chính tả cho học sinh. Đồng thời chú trọng trang bị đồ dùng dạy học theo danh mục thiết bị tối thiểu do Bộ GD và ĐT quy định như: bàn, ghế đúng quy cách, không gian lớp học thoáng mát, đủ ánh sáng, các bảng biểu đẹp mắt, hấp dẫn học sinh… để học sinh có đủ điều kiện viết chữ đúng và đẹp.
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Hà (Mỹ Lộc) trong giờ luyện chữ.
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Hà (Mỹ Lộc) trong giờ luyện chữ.
Thực hiện phong trào “Giữ vở sạch - viết chữ đẹp” do ngành GD và ĐT phát động, ngay từ đầu năm học, trường Tiểu học A Trực Đại (Trực Ninh) đã triển khai phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Chữ viết mang tính thực hành cao, ngoài việc học sinh nắm được các kiến thức cơ bản và kỹ thuật viết thì rèn viết chữ đẹp là một yêu cầu quan trọng và cần thiết, vì vậy ngoài những giờ luyện viết chính khóa, nhà trường tăng thời gian luyện viết trong các buổi học thêm, giờ ngoại khóa cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường định hướng phụ huynh mua sắm sách vở, bút viết cũng như cách bọc sách, vở cho học sinh, hướng dẫn các em bảo quản, giữ gìn bút, sách vở hằng ngày. Với giáo viên thì ngoài bộ hồ sơ phải viết hằng ngày còn phải có thêm vở luyện viết để viết đúng mẫu chữ quy định và các bài viết luyện chữ đẹp. Hằng tháng và mỗi học kỳ, trường kiểm tra vở sạch, chữ đẹp giữa các lớp, qua đó phát hiện bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu để tham gia các hội thi do cấp trên tổ chức. Ngoài ra, các thầy cô còn khơi dậy ở các em lòng say mê rèn chữ bằng những mẫu chữ đẹp, trang vở sạch… Nhờ vậy, chất lượng vở sạch - chữ đẹp của nhà trường ngày càng được nâng cao. Số giáo viên, học sinh của nhà trường đạt giải về phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” qua các năm tăng cả về số lượng và chất lượng. Để khuyến khích và động viên phong trào rèn chữ ở học sinh, hằng năm các nhà trường, Phòng GD và ĐT và Sở GD và ĐT đều tổ chức các cuộc thi “Viết chữ đúng và đẹp”. Đây chính là sân chơi, là hoạt động bổ ích, ý nghĩa để học sinh thể hiện năng khiếu và niềm đam mê của mình với chữ viết của dân tộc. Để tạo điều kiện cho học sinh có thói quen rèn chữ đẹp, các nhà trường đều trang bị tủ trưng bày những cuốn vở sạch chữ đẹp của học sinh. Bên cạnh đó, các trường đều yêu cầu giáo viên chú trọng việc rèn chữ, giữ vở và theo dõi sát sao, uốn nắn, chỉ ra các lỗi mà học sinh mắc phải để sửa chữa kịp thời, hướng dẫn học sinh ngồi viết ngay ngắn, đúng tư thế, trình bày logic, hợp lý và dễ đọc để các em chủ động trong việc rèn chữ ở trên lớp cũng như ở nhà. Để các em có ý thức rèn chữ, ngay từ khi bước vào lớp 1, ban giám hiệu các trường đều yêu cầu giáo viên hướng dẫn cho trẻ cách viết đúng, chuẩn; dạy cho trẻ các cột đậm khi bắt đầu đặt bút viết. Đây chính là nền tảng rèn chữ cho trẻ sau này. Ở bậc tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5, việc rèn chữ cho học sinh đều được tích hợp vào các môn học. Việc trình bày ở mỗi quyển vở của học sinh đến việc chấm bài của thầy cô cũng được quy định rất tỉ mỉ. Đối với giáo viên, để dạy các em viết chữ đúng và đẹp, hằng ngày các thầy cô đều phải tự mình rèn viết chữ đẹp, điều đó thể hiện trong từng trang giáo án, hồ sơ và trình bày bảng trên lớp. Bên cạnh đó, trong năm học, các nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề dạy chính tả, dạy tập viết, sửa tật chữ cho học sinh để rút kinh nghiệm cho từng giáo viên. Đối với học sinh, thầy cô giáo giảng kỹ cho các em phải nắm chắc quy luật chữ viết, nắm rõ khái niệm 1 ô li, 2 ô li ngay từ lớp 1, hình thành cho các em thói quen về cách thức trình bày trong vở; đồng thời hướng dẫn các em ngồi đúng tư thế, cách cầm bút theo đúng quy định, giúp các em hiểu và biết cách viết đúng, đẹp về độ cao, khoảng cách, tỷ lệ, cách đặt bút, thử bút… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các nhà trường cũng ngày càng được đầu tư khang trang với các phòng học cao tầng thoáng mát, đủ ánh sáng, bàn ghế hiện đại. Những khẩu hiệu, hình ảnh, bảng lớp trang trí trong các phòng đều mẫu mực, đẹp mắt. Thực tế, giáo viên có viết đẹp thì mới hướng dẫn và rèn cho các em viết chữ đẹp được. Bản thân mỗi giáo viên, để viết chữ đẹp cũng phải dày công luyện chữ, vừa tạo ra những nét thanh, nét đậm cho từng chữ, vừa cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Đối với học sinh, việc luyện viết chữ đẹp còn giúp các em rèn được đức tính cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại và nâng cao năng khiếu thẩm mỹ, óc quan sát, sáng tạo…
 
Năm học 2015-2016, ngành GD và ĐT tỉnh đã tổ chức cho học sinh tham gia cuộc thi “Viết chữ đúng và đẹp” ở cả 3 cấp, thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Ở cấp tỉnh, ngành GD và ĐT tỉnh đã chọn được 20 giải xuất sắc, 60 giải nhất, 159 giải nhì và 126 giải ba. Việc tổ chức cuộc thi nhằm tiếp tục khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, rèn chữ, giáo dục học sinh tính chăm chỉ, cẩn thận, đồng thời khẳng định phong trào “giữ vở sạch - viết chữ đẹp” là việc làm hữu ích trong tổ chức lồng ghép các hoạt động ở các trường tiểu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com