Chiếu sáng đô thị không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện, hướng tới giá trị thẩm mỹ đô thị. Chất lượng tiện nghi đô thị được nâng cao cũng nhờ một phần ở chiếu sáng đô thị. Những năm qua, hệ thống chiếu sáng trên địa bàn Thành phố Nam Định không ngừng được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống chiếu sáng công cộng ở thành phố thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế đòi hỏi phải điều chỉnh nâng cao chất lượng chiếu sáng, đáp ứng yêu cầu trở thành đô thị trung tâm vùng phía nam đồng bằng sông Hồng.
|
Thay thế cây đèn LED trên tuyến đường Nguyễn Du (TP Nam Định). |
Hiện nay, các loại hình chiếu sáng công cộng ở Thành phố Nam Định gồm hệ thống đèn cao áp trên các đường phố, vườn hoa, công viên, các điểm vui chơi giải trí công cộng; hệ thống đèn led trang trí trên các tuyến đường, các công trình đài phun nước, cổng chào, các cột đèn tín hiệu giao thông... Trong đó điện chiếu sáng công cộng có 12 nghìn chóa đèn các loại; 147 tủ điều khiển, 23 trạm biến áp chiếu sáng; 3 cổng chào điện tử và các công trình kiến trúc khác như 3 đài phun nước, 1 tượng đài, 1 nhà văn hóa; 284 biểu tượng trang trí thân cột, ngang đường tại các tuyến đường phố, trên cầu. Do đặc thù là thành phố cổ, hệ thống chiếu sáng công cộng được thiết kế từ lâu đời, được cải tạo, nâng cấp từng bước nên hệ thống cũ, mới đan xen nhau; loại đèn chiếu sáng hiệu suất cao như Sodium; Metal chiếm tới 85%; đèn cao áp thủy ngân hiệu suất thấp vẫn còn sử dụng chiếm 15%. Chính vì thế, sản lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiêu thụ điện của thành phố. Năm 2014, sản lượng điện tiêu thụ là 4.454kWh và năm 2015 là 4.555kWh tương đương chi phí khoảng hơn 7 tỷ đồng/năm. Theo Phòng Quản lý đô thị thành phố, mặc dù thành phố đã ban hành quy định và chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác quản lý, điều hành hệ thống chiếu sáng nhưng hiện nay hệ thống chiếu sáng công cộng vẫn chưa thể vận hành hiệu quả như mong muốn. Một số tuyến phố chính đã được lắp đặt đèn chiếu sáng nhưng chưa phù hợp với quy mô của đường hoặc hệ thống đã cũ, hết thời gian vận hành. Đơn cử như đường Trường Chinh có bề mặt lòng đường là 16m nhưng chỉ chiếu sáng ở một bên đường. Các tuyến đường Điện Biên, Hùng Vương (từ Nguyễn Du đến Trường Chinh), Hoàng Văn Thụ… hệ thống đèn chiếu sáng đã cũ, hết thời gian vận hành làm giảm khả năng chiếu sáng, chiếu sáng không đồng đều và hay xảy ra các sự cố cháy bóng, chập, cháy cáp điện. Một số tuyến đường đã được nâng cấp mặt đường và các hạ tầng kỹ thuật khác nhưng chưa được đầu tư lắp đặt đèn chiếu sáng như đường Trần Huy Liệu (từ Quốc lộ 10 đến cầu An Duyên), đường Lê Hồng Sơn (phường Cửa Bắc), đường Xuân Trình (phường Trường Thi), đường Hoàng Ngân (phường Phan Đình Phùng). Lý giải tình trạng trên, theo cơ quan chuyên môn cho biết, hiện tại, quy hoạch về chiếu sáng công cộng ở thành phố vẫn chưa được quan tâm triển khai thực hiện khiến cho công tác tính toán sử dụng, đấu nối, bổ sung hệ thống chiếu sáng công cộng chủ yếu được thực hiện chắp vá theo nguồn của từng dự án dựa trên kinh nghiệm quản lý. 1 trạm tủ điện chiếu sáng không được tính toán riêng cho từng tuyến đường mà phải đấu nối thêm nhiều hạng mục khác như chiếu sáng đường phố, biểu tượng LED, chiếu sáng dong ngõ xóm, tổ dân phố… Hệ thống chiếu sáng đô thị vận hành chủ yếu theo phương thức thủ công gây tốn kém về nhân công, công tác phát hiện sự cố chưa kịp thời, nhật ký hồ sơ theo dõi chưa được liên tục. Các quy định về quản lý chiếu sáng đô thị trong các văn bản như Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28-9-2009 của Chính phủ, Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 và các thông tư hướng dẫn còn chung chung rất khó triển khai. Bên cạnh đó, từ năm 2013, thành phố đã giao khoán công tác vận hành đèn chiếu sáng cho Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định nhưng chi phí mới chỉ đảm bảo duy trì hoạt động hệ thống đèn chiếu sáng, trong khi đó, do hạ tầng đã cũ, thiếu đồng bộ nên thường xuyên hỏng hóc, cộng với thiên tai bão lớn gây thiệt hại nặng nề, công tác khắc phục hậu quả mất nhiều thời gian do phải phối hợp với nhiều phòng, ban, ngành liên quan ảnh hưởng đến hiệu quả chiếu sáng đô thị.
Nhằm nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng tại thành phố đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm điện, thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị đã đề xuất thành phố cho phép phối hợp với Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung của Tập đoàn Công nghệ Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) tiến hành khảo sát, đánh giá, tính toán phụ tải chiếu sáng thành phố, nghiên cứu phương án thay thế chiếu sáng bằng đèn LED tiết kiệm hiệu quả. Tham mưu cho UBND thành phố xây dựng quy hoạch chiếu sáng đô thị, quy định phân công, phân cấp quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị. Chủ động thí điểm xây dựng tuyến phố chiếu sáng bằng đèn LED tại đường Nguyễn Công Trứ và đường trục phường Lộc Vượng… Từng bước xây dựng hệ thống quản lý chiếu sáng tập trung thông qua hệ thống điều khiển giám sát hoàn toàn tự động từ trung tâm. Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị đã hoàn thành thí điểm lắp đặt tủ điều khiển hệ thống chiếu sáng tự động tại 2 tuyến đường Quang Trung và Vũ Hữu Lợi. Ưu điểm của loại tủ điều khiển này là tự động đóng, cắt theo giờ đặt sẵn; đóng, cắt hệ thống thông qua Trung tâm điều khiển, internet, tin nhắn, điều chỉnh dễ dàng chế độ đóng, cắt ở các mức độ: 100%; 70%; 30%; cảnh báo tự động trước các nguy cơ sự cố về điện, đèn sắp xảy ra; có thể giám sát điều khiển được tuyến chiếu sáng theo công suất tối đa, kiểm soát dễ dàng về chi phí điện năng tiến tới điều hành toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị của thành phố tại trung tâm điều khiển tự động. Qua các tuyến lắp đặt thí điểm hệ thống chiếu sáng LED sau khi được thay thế tiết kiệm đến 60% chi phí so với hệ thống đèn đường cũ góp phần tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 4 tỷ đồng/năm. Với định hướng xây dựng đô thị hiện đại tiêu chí về chiếu sáng công cộng là một tiêu chí không thể thiếu trong quy hoạch phát triển góp phần tạo nên mỹ quan đô thị đồng thời đáp ứng tốt hơn cuộc sống người dân. Vì thế Thành phố Nam Định cần quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư, quy hoạch hệ thống chiếu sáng công cộng một cách bài bản, có hệ thống, xác định rõ chiến lược quy hoạch hạ tầng chiếu sáng đô thị theo yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới đảm bảo tốt các tiêu chí đô thị./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn